Làm sạch thường xuyên giúp vết thương mau lành

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây cho thấy các vết thương mãn tính như loét chân do bệnh đái tháo đường và loét tỳ đè có thể chữa lành nhanh hơn khi chúng được làm sạch thường xuyên.

Làm sạch thường xuyên giúp vết thương mau lành


Làm sạch bao gồm việc loại bỏ mô chết hoặc nhiễm trùng và các vật lạ hoặc vi khuẩn từ các vết thương chậm lành, chẳng hạn như với một con dao mổ hay một loại kem đặc biệt.

 

Mỗi năm, gần 7 triệu người Mỹ có một vết thương mãn tính do bệnh tiểu đường hoặc các nguyên nhân khác. Một vài nghiên cứu nhỏ đã cho thấy một số loại vết thương có xu hướng lành nhanh hơn nếu được làm sạch thường xuyên.
 
Trong báo cáo của mình, ông James Wilcox đến từ Healogics (một công ty điều hành các trung tâm chăm sóc vết thương) và các đồng nghiệp đã cố gắng thu thập thêm dữ liệu bằng cách xem xét hồ sơ của khoảng 155.000 bệnh nhân được điều trị tại 1 trong 525 trung tâm chăm sóc vết thương.
 
Trong khoảng thời gian từ năm 2008 - 2012, những bệnh nhân này được điều trị tổng cộng 313.000 vết thương, bao gồm cả loét chân do bệnh đái tháo đường và loét tỳ đè, vết thương phẫu thuật và vết cắt do tai nạn hoặc các chấn thương khác.
 
Vết thương bình thường được làm sạch 2 lần. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thời gian chữa lành thay đổi theo các loại vết thương, nhưng thường nhanh lành hơn nếu thường xuyên làm sạch.
 
Ví dụ, loét chân do bệnh đái tháo đường chữa lành trong trung bình 21 ngày nếu được làm sạch ít nhất hàng tuần và trung bình 76 ngày khi được làm sạch 2 tuần/ lần hoặc lâu hơn. Vết thương do các loại chấn thương gây nên chữa lành trong trung bình 14 ngày nếu thường xuyên làm sạch và trung bình 49 ngày nếu không được làm sạch thường xuyên.
 
Nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí JAMA Dermatology rằng thời gian chữa lành cũng lâu hơn nếu vết thương sâu và rộng hơn. Tiến sĩ Robert Kirsner, một bác sĩ da liễu và nhà nghiên cứu vết thương đến từ Trường Y Miller thuộc ĐH Miami cho biết vi khuẩn có thể phát triển trên vết thương ở các khu vực được gọi là màng sinh học. Giống như việc đánh răng ngăn cản sự phát triển màng sinh học trên răng thì việc làm sạch có thể giúp vi khuẩn không phát triển trên vết thương.
 

Nhưng việc làm sạch không phải là dễ dàng và vô thưởng vô phạt như đánh răng. TS Kirsner nói rằng: “Khi bạn thực hiện một thủ tục phẫu thuật, luôn có nguy cơ nhiễm trùng. Bạn sẽ không muốn làm sạch nếu không cần thiết”. Ông cho biết vết thương của những bệnh nhân trong nghiên cứu này được làm sạch thường xuyên hơn. Tuy nhiên, họ có thể cũng được chăm sóc tốt hơn ở các yếu tố khác khác, vì vậy không chắc chắn rằng thời gian chữa lành nhanh hơn chỉ là do làm sạch nhiều hơn.

Ông nói thêm rằng việc theo dõi các vết thương chậm lành là rất quan trọng để đảm bảo rằng chúng đang tiếp tục hồi phục. Đặc biệt là với những người bị bệnh tiểu đường và mất cảm giác ở bàn chân, các vết thương không lành có thể bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ.

 

Hùng Cường

Theo KM