Làm rõ trách nhiệm các cá nhân trong vụ “ăn bớt” vắc xin

(Dân trí) - Ngày 13/5, Sở Y tế Hà Nội ra công văn yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cần khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến vụ tiêm thiếu vắc xin 5 trong 1 dịch vụ cho trẻ và xử lý nghiêm các sai phạm này.

Làm rõ trách nhiệm các cá nhân trong vụ “ăn bớt” vắc xin


Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cần phối hợp với các phòng ban Sở Y tế xem xét, kết luận, xử lý nghiêm minh các cá nhân có liên quan đến sai phạm (Bà Bùi Phương Hoa, làm rõ trách nhiệm của thành viên tua trực, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng HN), báo cáo kết quả về Sở Y tế trước ngày 16/5/2013 để báo cáo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.

Sở Y tế Hà Nội cũng giao Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trực tiếp chỉ đạo Khoa Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm. Theo đó, cần rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự ... đúng quy định về quản lý, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị theo Quyết định số 23/QĐ-BYT ngày 07/7/2008 của Bộ Y tế; Thông báo, hướng dẫn người dân đến tiêm chủng cùng giám sát việc thực hiện, kịp thời phát hiện, phản ánh qua đường dây nóng đến lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nếu có thắc mắc.

Đồng thời Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cần kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ tại các khoa phòng trực thuộc Trung tâm, ổn định đơn vị, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác tiêm chủng nói riêng, công tác y tế dự phòng nói chung trên địa bàn thành phố.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kêu gọi người dân nên chủ động phối hợp giám sát các khâu của quy trình tiêm chủng cùng với cán bộ y tế để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng. Sở Y tế cũng đưa ra quy trình tiêm chủng chuẩn gồm 6 bước để người dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện quy trình tiêm chủng của nhân viên y tế.

Quy trình tiêm chủng chuẩn

1.      Tiếp đón: Khách hàng qua bàn tiếp đón để xếp thứ tự

2.      Khám phân loại: Đo nhiệt độ, hỏi tiền sử dị ứng, tiền sử tiêm chủng các mũi tiêm trước, tình trạng sức khoẻ hiện tại (nếu trẻ đang sốt hoặc đang nhiễm trùng cấp tính thì hoãn tiêm lần này)

3.      Tư vấn, chỉ định tiêm chủng đúng loại vacxin, liều lượng, đường tiêm theo lứa tuổi, thời gian, tiền sử tiêm chủng

4.      Nhập số liệu quản lý vào hệ thống máy tính

5.      Thu tiền theo hoá đơn, phát tích kê loại vacxin theo đúng chỉ định

6.      Thực hiện thao tác tiêm: 

-         Xem sổ tiêm đối chiếu với tích kê, lấy thuốc

-         Thông báo cho khách hàng tên vacxin, vị trí tiêm, đường tiêm, liều lượng tiêm

-         Pha hồi chỉnh (nếu có)

-         Sát trùng nơi tiêm

-         Tiêm chủng

-         Bỏ bơm kim tiêm vào hộp an toàn, vỏ lọ vacxin vào túi lưu 14 ngày theo đúng quy định, chỉ trả vỏ hộp cho khách hàng với loại vacxin có vỏ hộp riêng cho từng liều tiêm

-         Hướng dẫn khách hàng các phản ứng sau tiêm thường gặp và cách xử trí

-         Theo dõi 30 phút sau tiêm tại khu vực tiêm chủng.

Hồng Hải