1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Làm gì khi phát hiện trẻ bị sốc nhiệt trong ô tô đóng kín?

Biên Thùy

(Dân trí) - Theo bác sĩ, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ gặp nguy hiểm khi bị bỏ quên trên xe ô tô đóng kín, như sốc nhiệt, ngạt khí…

Mới đây, sự việc một cháu bé 5 tuổi tử vong sau khi bị bỏ quên nhiều giờ trên ô tô đưa đón học sinh của trường mầm non tại tỉnh Thái Bình khiến nhiều người không khỏi xót xa lẫn phẫn nộ, vì sự tắc trách của người lớn. Đáng chú ý, vào năm 2019, một bé trai 6 tuổi cũng xảy ra hậu quả đau lòng về tính mạng, vì bị bỏ quên trên xe của một trường quốc tế tại Hà Nội.

5 năm, hai bi kịch xảy đến với cùng một kịch bản giống nhau, đặt ra câu hỏi về những nguy cơ của trẻ nhỏ khi ngồi trên xe đóng kín cửa trong thời gian dài.

Làm gì khi phát hiện trẻ bị sốc nhiệt trong ô tô đóng kín? - 1

5 năm, có 2 trẻ tử vong vì bị bỏ quên trên xe ô tô (Ảnh: Mạng xã hội).

Nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các tai nạn xe cộ không va chạm

Trao đổi với phóng viên, một bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế TP Thủ Đức (TPHCM) chia sẻ, thông thường khi xe ô tô để ngoài nắng, nhiệt độ bên trong rất cao. Cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3-5 lần người lớn, nên khi nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ không thể điều hòa ngay.

Nếu bé còn gắng sức khóc hay kêu gào hoảng loạn, làm mất nước có thể đẩy nhiệt độ cơ thể lên 40 độ C, gây tình trạng sốc nhiệt do nóng. Khi chạm mốc 42 độ C, trẻ có nguy cơ tử vong.

Bác sĩ này phân tích, với người lớn, dưới sự điều khiển của các trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não, cơ thể có khả năng giữ thân nhiệt ổn định đối với các thay đổi nhiệt độ bên ngoài. Còn ở trẻ, khả năng điều hòa thân nhiệt còn hạn chế nên trẻ dễ bị say nóng.

Sốc nhiệt biểu hiện ra ngoài da theo 4 yếu tố: Dẫn truyền, lan tỏa, bức xạ và bốc hơi. Sự bốc hơi nhiệt đó lại chịu ảnh hưởng của các điều kiện khí hậu bên ngoài, như tình trạng thoáng khí, độ ẩm, độ nóng và sức gió.

Làm gì khi phát hiện trẻ bị sốc nhiệt trong ô tô đóng kín? - 2

Một trường hợp bệnh nhi sốc nhiệt, điều trị tại TPHCM (Ảnh: BV).

"Ở người bình thường không vận động, không giãy giụa, trong điều kiện khí hậu mát, sự bốc hơi qua phổi và da khoảng 800ml. Trong điều kiện nhiệt đới, sự bốc hơi tăng cao (trên 1 lít).

Vì vậy nếu bệnh nhân bị say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu " - bác sĩ chia sẻ.

Thống kê cho thấy, sốc nhiệt là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các tai nạn xe cộ không va chạm ở trẻ dưới 15 tuổi. Kể cả khi ngoài trời chỉ 18 độ C, sốc nhiệt trong xe đóng kín vẫn có thể xảy ra dù động cơ đã tắt. Thậm chí, mở một cửa sổ cũng không đủ để làm mát xe.

Ngoài trên ô tô, tình trạng say nóng, sốc nhiệt cũng có thể xuất hiện ở ngoài trời nhiệt độ cao, trong hầm lò, buồng bệnh, toa tàu hỏa... và rất hay gặp ở trẻ sơ sinh hoặc ở người lớn chưa thích ứng với các thay đổi khí hậu đột ngột.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, ngoài sốc nhiệt, trẻ nhỏ bị bỏ quên trên ô tô còn dễ gặp nguy hiểm bởi tình trạng ngạt khí. Cụ thể, khi xe tắt máy, cửa đóng kín thì lượng oxy có trên xe sẽ nhanh cạn kiệt.

Lúc này trẻ sẽ hít vào khí CO làm tế bào thiếu hụt oxy, gây hôn mê rồi dần tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Kể cả khi được cứu sống, di chứng não về sau (như ảnh hưởng chức năng vận động, rối loạn cảm giác, ngôn ngữ...) ở trẻ là rất lớn, do não không được cấp oxy trong thời gian dài.

Ngoài ra, trẻ khi hoảng loạn, lơ mơ còn có thể tự làm tổn thương mình, hoặc té ngã gây các chấn thương nặng.

Làm gì khi phát hiện có người bị sốc nhiệt?

Theo bác sĩ, ban đầu khi sốc nhiệt con người sẽ có triệu chứng vã mồ hôi, nhức đầu, khó chịu, mặt đỏ nhừ, cảm giác nghẹt thở, có khi đau bụng, nôn mửa. Sau đó bệnh nhân chóng mặt, hoa mắt, tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, tiểu tiện ít kèm sốt cao có khi lên tới 42-44 độ C.

Da và niêm mạc bệnh nhân sẽ khô, trụy mạch. Khi đã nặng, bệnh nhân sẽ li bì, giãy giụa, lăn lộn, mê sảng, cuối cùng là hôn mê co giật, phù não.

Để xử trí tại chỗ khi phát hiện sự việc, bệnh nhân cần được hạ nhiệt ngay lập tức, bằng cách: Cởi bớt quần áo, cho người bị nạn nằm đầu thấp, nằm nghỉ ở nơi mát mẻ, thoáng gió, uống nước lạnh có muối, chườm lạnh, quạt mát, dội nước mát hoặc nhúng hẳn vào bồn tắm. Sau đó, cần chuyển nạn nhân đi cấp cứu ngay.

Làm gì khi phát hiện trẻ bị sốc nhiệt trong ô tô đóng kín? - 3

Trẻ bị sốc nhiệt trên ô tô đóng kín cần được sơ cứu, hạ thân nhiệt (Ảnh minh họa: AI).

Tại bệnh viện, bệnh nhân cần được dùng thuốc hạ sốt (như paracetamol) và tiếp tục điều trị hạ thấp nhiệt độ cơ thể đến khi nào xuống dưới 38 độ C.

Nếu tình trạng nặng, bệnh nhân phải bù dịch, chống sốc bằng truyền dịch glucose 5% và natri clorua 0,9% (truyền glucose trước), đặt nội khí quản chống phù não rồi chuyển sang hồi sức cấp cứu.

Với tình trạng ngạt khí, bệnh nhân cần được hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nếu ngưng tim) và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.