1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Làm gì khi bị són tiểu?

(Dân trí) - Són tiểu không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống. Tuy nhiên, số lượng chị em chủ động đi khám vì són tiểu lại rất ít, do tâm lý xấu hổ, hoặc thiếu hiểu biết, cho rằng đây là “tật” phải chịu đựng sau sinh đẻ chứ không phải là 1 “bệnh” đã có cách điều trị rất hiệu quả. Hơn thế nữa, không ít nhân viên y tế cũng chưa đủ kiến thức cơ bản về bệnh lý này để giải thích thấu đáo cho bệnh nhân.

Són tiểu/Tiểu không kiểm soát là một bệnh lý rất hay gặp ở phụ nữ. Tỉ lệ người bị són tiểu tăng dần theo tuổi và liên quan với số lần sinh nở đặc biệt khi sinh trọng lượng thai nhi >400gr hoặc đầu to.

Những thống kê ở phụ nữ Việt Nam trong tuổi sinh đẻ cho thấy khoảng 15-20% chị em có biểu hiện són tiểu, trong đó són tiểu gắng sức (L’incontinence urinaire d’efforce) chiếm gần 80%. Són tiểu gắng sức là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra ngoài không kiểm soát được khi có hoạt động mạnh như ho, cười, xách vật nặng, chạy…

Làm gì khi bị són tiểu? - 1

Triệu chứng của són tiểu

Biểu hiện són tiểu/Tiểu không kiểm soát là dấu hiệu hiển nhiên mà bất kỳ ai cũng biết. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý các dấu hiệu sau mà thầy thuốc rất lưu ý:

- Bệnh bắt đầu từ bao năm rồi? tiến triển ra sao?

- Có áp dụng cách nào để khống chế tình trạng són tiểu không? Có phải dùng băng vệ sinh không? Phải thay bao nhiêu lần mỗi ngày? Dùng băng vệ sinh thường xuyên hay chỉ dự phòng?

- Có bị viêm đường tiết niệu hay các rối loạn tiểu tiện kèm theo: đái buốt, đái rắt, đái gấp? Có bị bệnh phối hợp hay đang dùng thuốc gì không?

Khi đến khám bạn phải nhịn tiểu. Với bàng quang đầy, bác sĩ sẽ làm nghiệm pháp gây són tiểu khi ho. Việc thăm trong giúp bác sỹ kiểm tra niệu đạo, âm đạo, cơ vùng tầng sinh môn, tình trạng sa sinh dục.

Nghiệm pháp Bonney đặc hiệu cho són tiểu khi gắng sức và có thể tiên lượng trước mức độ hiệu quả của phẫu thuật T.O.T. Đôi khi phải tiến hành các xét nghiệm bổ sung: Chụp bàng quang, siêu âm ổ bụng, niệu động học đăc biệt cần thiết trong trường hợp bàng quang tăng hoạt tính hoặc suy yếu van niệu đạo.

Những công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới đã làm sáng tỏ cơ chế són tiểu gắng sức ở phụ nữ là do tình trạng trở nên nhão, yếu, giảm trương lực của cơ vùng tầng sinh môn có vai trò nâng đỡ niệu đạo và bàng quang. Tỷ lệ són tiểu tăng dần theo tuổi, số lần đẻ và nhất là khi trọng lượng thai nhi lớn.

Điều trị như thế nào?

Phương pháp T.O.T (Trans Obturateur Tape: Đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt) là một phẫu thuật nhẹ nhàng, ít xâm hại và hiệu quả cao. Qua 1 vết rạch nhỏ ở thành trước âm đạo, phẫu thuật viên đặt dải băng tổng hợp đỡ phần sau niệu đạo nhằm tạo ra một vùng đệm tựa chắc chắn thay thế cho phần cơ đã nhão yếu. Khi gắng sức, áp lực ổ bụng tăng lên sẽ ép niệu đạo vào vùng này làm bịt tắc lòng niệu đạo giúp chặn lại dòng tiểu són ra. Phẫu thuật này kéo dài khoảng 20 phút, ngay trên bàn mổ, sau khi đặt dải băng, bệnh nhân đã hết són tiểu. Thời gian nằm viện 24 giờ.

Ngay sau khi ra viện bệnh nhân có thể làm việc bình thường. Trong hai tuần đầu không nên tham gian những hoạt động thể lực nặng hoặc chơi thể thao. Phải kiêng hoạt động tình dục trong 1 thang sau mổ. Bạn được khám lại sau 4 tuần với bác sỹ phẫu thuật để kiểm tra tình trạng són tiểu gắng sức đã hết chưa, có còn biểu hiện đái khó hay ứ đọng nước tiểu trong bàng quang không. Trong trường hợp có bí tiểu hoặc tiểu khó, bệnh nhân cần đến khám lại ngay.

Bác sĩ Lê Sĩ Trung

Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam