1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Làm gì để biết mình có thể bị hoại tử xương sau nhiễm Covid-19?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo các bác sĩ, có nhiều dấu hiệu để người dân nhận biết mình có thể đã bị hoại tử xương "hậu Covid-19" để kịp thời đi kiểm tra, điều trị.

Vừa qua, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, chỉ trong 2 tháng vừa qua nơi này tiếp nhận 11 bệnh nhân bị cốt tủy viêm xương, gây hoại tử xương vùng sọ, xương hàm trên rất nặng, thậm chí 2 trường hợp đã tử vong.

Còn Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM cho biết, từ tháng 2 đến nay, khoa Phẫu thuật hàm mặt, tiếp nhận tổng cộng 16 trường hợp hoại tử xương hàm trên.

Đáng chú ý, tất cả trường hợp trên đều từng bị nhiễm Covid-19 vài tháng trước, không có tiền sự bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt. Mới đây, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện liên quan báo cáo về tình hình người bệnh hoại tử xương hàm sau khi nhiễm Covid-19. Đồng thời, thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh.

Làm gì để biết mình có thể bị hoại tử xương sau nhiễm Covid-19? - 1

Các bệnh nhân bị cắt một phần sọ để điều trị hoại tử xương (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bị hoại tử xương vì bệnh cốt tủy viêm xương 

Trao đổi với PV Dân trí, ThS.BS Nguyễn Quang Tú, Phó khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, cốt tủy viêm xương hàm là bệnh nặng và tương đối hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhưng gần đây có những báo cáo về bệnh trên người lớn.

Cốt tủy viêm xương có liên quan đến nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường không được điều trị sớm, bệnh lý suy giảm miễn dịch (chạy thận nhân tạo, ung thư, HIV...), biểu hiện bằng một tình trạng viêm nhiễm vùng mũi họng. Những vùng nào có máu nuôi hoặc tủy xương nhiều (như xương hàm trên, xương vùng nội sọ, sát sọ, xương thái dương) đều có thể bị cốt tủy viêm xương, dẫn đến hoại tử nặng và phải mổ.

Làm gì để biết mình có thể bị hoại tử xương sau nhiễm Covid-19? - 2

Một bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 bị lồi mắt, sưng mắt, đau đầu nhiều, phát hiện bị hoại tử xương (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Theo bác sĩ, bản chất của cốt tủy viêm xương là viêm nhiễm, nhiễm trùng vào đường máu, hủy xương xâm lấn tủy, nhưng có biểu hiện bên ngoài giống như viêm mũi, viêm răng, viêm xoang… Do đó để kiểm tra, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp phim, CT-scan để xác định có hình ảnh hủy xương không, việc hủy xương có liên quan đến ung thư hay không.

Cốt tủy viêm xương không thể diễn tiến ngay mà sẽ âm ỉ kéo dài. Bệnh nhân có thể uống thuốc thấy bớt, nên bỏ qua không đi kiểm tra. Điều đặc biệt nguy hiểm là những trường hợp này dễ bị nhầm lẫn trong chẩn đoán ban đầu, khiến bệnh nhân không được điều trị tận gốc.

Triệu chứng, dấu hiệu hoại tử xương "hậu Covid-19"

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM cho biết, về triệu chứng, hầu hết bệnh nhân hoại tử xương mà nơi này tiếp nhận bị lung lay răng và xương hàm trên, có lỗ rò mủ, sưng đau vùng khẩu cái (vùng trần của miệng), hoặc có những vết loét và lộ xương hàm trên.

Làm gì để biết mình có thể bị hoại tử xương sau nhiễm Covid-19? - 3

Bệnh nhân bị lung lay răng và sưng đau hàm trên (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Một bác sĩ chuyên khoa Mũi xoang cho biết thêm, tình trạng cốt tủy viêm xương sọ mặt, xương hàm được biểu hiện ở việc sưng đau vùng má, chảy mủ hôi, giống dấu hiệu của viêm xoang do răng nên dễ chẩn đoán nhầm.

Còn theo Phó Giáo sư Trần Minh Trường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân còn có dấu hiệu lâm sàng là sưng viêm mi mắt, sưng vùng sọ trán, hoại tử hốc mũi lan trên nền sọ, đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt.

Về yếu tố nguy cơ, bệnh nhân có tiền căn đái tháo đường, có dùng thuốc corticoid điều trị Covid-19 kéo dài, nhiễm nấm. Các kết quả nghiên cứu về các hiện tượng hoại tử xương do biến chứng hậu Covid-19 trên thế giới cho rằng, nguyên nhân chính có thể do sự hình thành các cục máu đông khi virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào thành mạch máu qua thụ thể ACE2.

Làm gì để biết mình có thể bị hoại tử xương sau nhiễm Covid-19? - 4

Bệnh nhân có lỗ rò mủ, sưng vùng mắt (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Về điều trị, bệnh nhân cần can thiệp của nhiều chuyên khoa như tai mũi họng, bệnh nhiệt đới, đặc biệt là phẫu thuật thần kinh, hồi sức. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật làm rộng, lấy bệnh tích tối đa, kết hợp dùng kháng sinh, kiểm soát nhiễm trùng, xử lý bệnh nền.

Sau mổ, bệnh nhân thường sẽ nằm viện điều trị kháng sinh 2 tuần, sau đó tái khám điều trị ngoại trú bằng thuốc thêm một thời gian nữa.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 có dấu hiệu như đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân, thay đổi dáng đi (khập khiễng), đặc biệt ở những người từng là F0 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoids điều trị trong thời gian dài, nên nghĩ đến tình trạng hoại tử xương để đến bệnh viện kiểm tra.

Người dân cũng không nên vội vã tự đi làm các cận lâm sàng đắt tiền như MRI, CT mà cần lắng nghe cơ thể xem có dấu hiệu bất thường hay không.