Làm được những điều này, ung thư thực quản sẽ tránh xa

Minh Nhật

(Dân trí) - Việc tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ...

Theo Bệnh viện K, ung thư thực quản là căn bệnh khá phổ biến ở cả hai giới, bệnh thường phát triển thầm lặng, ở giai đoạn đầu không có nhiều dấu hiệu rõ ràng dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác. Chỉ đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn hơn các triệu chứng mới rõ ràng nhận thấy như nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng…

Làm được những điều này, ung thư thực quản sẽ tránh xa - 1

Triệu chứng báo động ung thư thực quản

Các triệu chứng cảnh báo ung thư thực quản có thể bao gồm:

- Triệu chứng thường gặp nhất là khó nuốt tăng dần lên, thường nghẹn ở cổ và cảm giác nóng rát khi nuốt thức ăn.

- Một số triệu chứng khác như khó tiêu, nóng rát trước ngực, nôn ói, nghẹn thức ăn. Vì những nguyên nhân này mà bệnh nhân ngày càng sụt cân và gầy mòn.

- Những triệu chứng ít gặp hơn: ho khan và thở khò khè, cảm giác đau rát sau ức hay đau vùng cổ.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh (tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) là chưa đủ để kết luận mắc căn bệnh này. Việc chẩn đoán ung thư thực quản còn dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác. Để chẩn đoán chính xác ung thư thực quản, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết để có thể nhìn thấy hình ảnh bất thường về hình dạng của thực quản cũng như các tổ chức ung thư hoặc các bất thường của tổ chức dẫn đến ung thư hoặc các tổn thương khác. 

Lời khuyên để phòng tránh ung thư thực quản

- Không hút thuốc lá: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản. Lý do là bởi trong khói thuốc lá có chứa các chất kích thích độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản. Chính vì thế, để phòng ung thư thực quản chúng ta cần tránh hút thuốc lá.

- Hạn chế lạm dụng uống bia rượu: Do uống rượu trong thời gian dài sẽ gây hậu quả nặng nề, làm phá hủy niêm mạc thực quản và dạ dày.

 - Áp dụng chế độ ăn khoa học và chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Chế độ ăn uống nhiều rau quả, trái cây sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa hiệu quả bệnh ung thư thực quản. Vì thế cần ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh… Bên cạnh đó, tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng cũng giúp ngăn ngừa tổn thương ở thực quản, phòng ung thư thực quản hiệu quả.

- Duy trì trọng lượng hợp lý và có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học: Áp lực công việc, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress... là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày - thực quản trong đó có ung thư. Vì thế ngoài việc tuân thủ một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, chúng ta nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ... cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.