1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lạm dụng thuốc giảm đau người thoát vị đĩa đệm dễ tàn phế

(Dân trí) - Nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đến khám trong tình trạng lệ thuộc thuốc giảm đau, nguy cơ bại liệt, tàn phế suốt đời. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng không tự ý sử dụng thuốc giảm đau, cần tuân thủ chỉ định điều trị để tránh biến chứng nghiêm trọng.

Bị thoát vị đĩa đệm nhiều năm, bà N.T.T.T. (52 tuổi, ngụ tại Cai Lậy, Tiền Giang) thường xuyên phải sống trong cảnh đau đớn. Mỗi khi những cơn đau dữ dội ập đến, bà thường phải sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những cơn đau dữ dội liên tục ập đến hành hạ vùng mông, đùi khiến bệnh nhân không thể đi lại, ngồi một chỗ cũng khó chịu.

Lạm dụng thuốc giảm đau người thoát vị đĩa đệm dễ tàn phế - 1

Thoát vị đĩa đệm gây ra những cơn đau dữ dội là nguyên nhân thúc đẩy bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc giảm đau

Tại Bệnh viện Gia An 115, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoát vị đĩa đêm cột sống thắt lưng L5-S1 rất nặng, chèn ép rễ thần kinh, không thể điều trị bảo tồn. Bác sĩ đã chỉ định thực hiện phẫu thuật lấy đĩa đệm bị thoát vị. Một trường hợp khác là bệnh nhân H.L.Q. (53 tuổi) cũng nhập viện khi các giải pháp sử dụng thuốc không còn mang lại kết quả, các bác sĩ đã phải thực hiện phẫu thuật lấy đĩa đệm dưới kính vi phẫu để tránh nguy cơ bại liệt, tàn phế cho bệnh nhân.

Theo phân tích của BS.CK1 Trần Công Năng, thoát vị đĩa đệm là bệnh cơ xương khớp thường gặp ở người trung niên, cao tuổi, đặc biệt là nhóm người phải lao động nặng và nhân viên văn phòng thường xuyên phải ngồi làm việc. Người thoát vị đĩa đệm sẽ phải đối mặt với tình trạng đau lưng, mông, đùi, cẳng chân lan tới một phần bàn chân hoặc đau vùng cổ, vai, cánh tay, cơn đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ, đau tăng khi vận động, hắt hơi, ho cảm giác đau thường giảm khi nghỉ ngơi.

Từ thực tế thăm khám, điều trị, bác sĩ cho biết, khi xuất hiện cơn đau, do chủ quan hoặc nôn nóng muốn nhanh khỏi, nhiều người đã tự ý mua và uống thuốc giảm đau. Đây là sai lầm rất nhiều bệnh nhân mắc phải bởi tùy thuộc vào tình trạng thoát vị đĩa đệm của mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp như điều trị bảo tồn (dùng thuốc, vật lý trị liệu) hay phải phẫu thuật.

Lạm dụng thuốc giảm đau người thoát vị đĩa đệm dễ tàn phế - 2

Bác sĩ khuyến cáo cộng động cần tuân thủ chỉ định điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm

Với những trường hợp nhẹ, có thể điều trị bằng thuốc nhưng dùng thuốc gì, liều lượng ra sao cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Việc tự ý dùng thuốc giảm đau có thể gây nhiều tác dụng phụ. Nếu lạm dụng thuốc giảm đau, cơ thể không chỉ lệ thuộc vào thuốc mà còn có nguy cơ viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, thận...

Nguy hiểm hơn, với các trường hợp thoát vị đĩa đệm có chèn ép rễ thần kinh nếu người bệnh tự ý mua và dùng thuốc giảm đau, triệu chứng đau có thể giảm tạm thời. Đây cũng là lúc bệnh nhân chủ quan không điều trị, hoặc không tuân thủ chỉ định phẫu thuật của bác sĩ. Lúc này, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nặng việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn cảm giác, tê bì chân tay, teo cơ, thậm chí bại liệt, tàn phế suốt đời.

Để tránh những nguy hiểm xảy ra, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng khi cơ thể có những biểu hiện đau mỏi bất thường người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám hỗ trợ điều trị. Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau nếu không có chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân bảo tồn được chức năng của cơ thể. Với những trường hợp bệnh nặng, có chỉ định phẫu thuật bệnh nhân không nên quá lo lắng bởi những tiến bộ trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đã giúp giảm tỷ lệ tai biến, vết mổ nhỏ, thời gian hồi phục nhanh.

Vân Sơn