Lại rộ tin có thể nhập vắc xin dịch vụ từ Campuchia, Thái Lan

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo sáng 26/12, trước thông tin nếu được điều chỉnh giá vắc xin tăng cao hơn, nhiều đơn vị có thể nhập khẩu vắc xin dịch vụ 5 trong 1 từ Thái Lan, Campuchia... Cục trưởng Cục Quản lý Dược khẳng định không thể có nguồn vắc xin từ các nước này và lo ngại nếu trẻ được tiêm vắc xin xách tay.

Thiếu vắc xin không phải do khống chế giá

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định: “Thông tin cho rằng nếu tăng giá có thể mua từ vắc xin dịch vụ Pentaxim từ Campuchia, Thái Lan... chắc chắn không có. Bản thân những nước này không tự sản xuất được vắc xin lấy gì để họ bán cho ta. Nếu có là do công ty sản xuất bán sang và họ mua bán lại, như thế không được phép.

Tôi cũng khuyên mọi người đừng bao giờ cho tiêm con tiêm các loại vắc xin này (nếu có), vì đã là vắc xin chui, không chính nên việc bảo quản, vận chuyển khó đảm bảo, sẽ cực nguy hiểm đến tính mạng. Có thể có đâu đó một vài liều vắc xin xách tay về, nhưng nếu có, cũng đừng tiêm. Vắc xin là sinh phẩm y tế đặc biệt, đâu phải mấy món hàng hóa thông thường mà thích thì xách tay về”, TS Cường nói.

Sẽ không còn tình trạng xếp hàng chen lấn lấy số tiêm vắc xin. Bộ Y tế chỉ đạo chỉ được phép tổ chức tiêm khi đã tiến hành đăng kí xong xuôi. Ảnh: Việt Hưng
Sẽ không còn tình trạng xếp hàng chen lấn lấy số tiêm vắc xin. Bộ Y tế chỉ đạo chỉ được phép tổ chức tiêm khi đã tiến hành đăng kí xong xuôi. Ảnh: Việt Hưng

Đại diện Cục quản lý Dược cũng phủ nhận Việt Nam khan hiếm vắc xin vì giá nhập thấp khiến công ty nhập khẩu, phân phối không mặn mà nhập vắc xin vì lỗ.

“Tôi khẳng định không phải vấn đề giá vì chúng tôi đã trao đổi với đơn vị nhập khẩu, nếu lỗ do nhập ít, chi phí vận chuyển, bảo quản nhiều thì Bộ Y tế sẵn sàng họp, xem xét điều chỉnh giá theo luật. Họ không nhập được vì không có nguồn cung ứng chứ không phải vì giá. Thậm chí Cục Dược cho cơ chế, doanh nghiệp nào tìm được nguồn nhập khẩu có thể chủ động thông báo sẽ được tạo mọi điều kiện tối ưu để nhập”.

Theo TS Cường, truyền thông hoàn toàn có thể kiểm chứng thông tin vắc xin Pentaxim khan hiếm trên toàn thế giới. Ngay tại Pháp cũng đang thiếu vắc xin này, nhưng họ rất linh động, thiếu thì họ dùng sang vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào.

Bộ Y tế cho biết, hiện thế giới có 3 nhà sản xuất văcxin vô bào là Nhật, GlaxoSmithKline và Sanofi, với 20 số đăng ký. Cục Quản lý Dược Việt Nam đã 3 lần làm việc với đối tác Nhật để mua vắc xin song nhà sản xuất này chỉ đủ cung cấp cho thị trường nội địa mà không xuất khẩu.  Cục Quản lý Dược đã đàm phán hơn một năm nay với nhà sản xuất Sanofi để đạt được thỏa thuận cuối cùng là cung cấp 160.000 liều Pentaxim trong tháng 12 năm nay thay vì chỉ 40.000-50.000 liều như các năm. Số vắc xin này phía nhà sản xuất cho biết phải điều phối từ các nước khác như Thái, Malaysia... để cung cấp cho Việt Nam.

Trong đợt này, miền Bắc đã có 15.000 liều vắc xin và sẽ được phân bổ 29.000 liều tiếp theo, còn lại là ở thị trường miền Nam. TS Cường cho biết Bộ Y tế không can thiệp được vào sự phân bổ cho các cơ sở, bởi công ty phân phối dựa trên số liệu đăng kí của cơ sở tiêm dịch vụ.

Chỉ được tiêm khi tổ chức đăng kí xong

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, Bộ Y tế chỉ cho các đơn vị tiêm chủng khi đã tiến hành đăng kí xong xuôi.

Còn trước nghi vấn Việt Nam buộc phải tiêm Quinvaxem trong TCMR, ông Phu khẳng định, tiêm hay không là quyền của Việt Nam. Giai đoạn đầu, với vắc xin này Việt Nam được viện trợ nhiều hơn, càng phải bỏ vốn đối ứng nhiều hơn. Nhưng giờ chúng ta chưa thay thế được vắc xin bởi thay thế một vắc xin là cả một chiến lược. Chưa nói phản ứng nặng, tử vong do Quinvaxem cũng có và vắc xin dịch vụ cũng có; Rồi tại Mỹ, nơi sử dụng vắc xin có thành phần ho gà vô bào mới đây bùng phát dịch ho gà lại dấy lên lo ngại vì miễn dịch của vắc xin này. Vì thế, không thể nói thay là thay ngay vắc xin.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Hà Nội cho biết, trung bình một năm có khoảng 50 - 60.000 liều tiêm 5 trong 1 ngoài TCMR. Vì thế, nếu chúng ta có 15.000 liều và sắp tới thêm 29.000 liều thì về cơ bản đáp ứng được 60 - 70% số chờ tiêm trong năm 2015. Trong năm 2016 ước tính cần từ 100 - 120 ngàn liều Pentaxim vì nhu cầu tăng lên.

“Tuy nhiên chúng ta không thiếu vắc xin phòng bệnh. Vắc xin Quinvaxem tương ứng với Pataxim vẫn được tiêm bình thường. Từ 10/3 đến nay, tại điểm tiêm Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã có 22 nghìn mũi tiêm Quinvaxem, hoàn toàn không thu tiền. Vắc xin bảo vệ 5 bệnh này hoàn toàn đủ, không thiếu, chỉ hạn chế số lượng vắc xin dịch vụ do lựa chọn của người dân”, TS Cảm nói.

TS Cảm cho biết thêm, mọi đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, không phân biệt địa phương, vùng miền, có nhu cầu tiêm là có quyền đăng kí. Sau khi các điểm tiêm chủng chốt phương án đăng kí sẽ thông báo công khai để người dân nắm được thông tin.

Hồng Hải