Kỹ thuật mới giúp người phụ nữ 34 tuổi thoát ám ảnh sỏi gan tái đi tái lại
(Dân trí) - Người phụ nữ ở Phú Thọ nhập viện do tái phát sỏi trong gan. Tuy nhiên nếu chỉ lấy sỏi mà không xử lý hẹp đường mật trong gan, nguy cơ tái phát của bệnh nhân rất cao.
Năm 2008, chị N.T.T (34 tuổi, ở Đoan Hùng, Phú Thọ) đã được mổ lấy sỏi mật. Gần đây, chị thấy có biểu hiện đau bụng, vàng da, sốt… nên đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiểm tra.
ThS. BS Nguyễn Thái Bình, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân bị tái phát nhiều sỏi trong gan phải và trong ống mật chủ. Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, bệnh nhân được chỉ định tán sỏi qua da. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc lấy sỏi thì nguy cơ tái phát của bệnh nhân rất cao vì đường mật trong gan bị hẹp.
"Tình trạng này là một vòng bệnh lý lặp không có hồi kết, hẹp đường mật trong gan dẫn đến ứ đọng dịch mật trong đường mật, từ đó lắng đọng lại tạo thành bùn mật, rồi thành sỏi trong gan. Hậu quả lại biến thành nguyên nhân, sỏi gây viêm dẫn đến hẹp", BS Bình nói.
Hình ảnh đường mật gan phải của bệnh nhân giống như một đường ống bị thắt lại ở một chỗ, hẹp tới 90% đường kính so với vị trí phía trước và sau.
"Vì thế, trong quá trình lấy sỏi các bác sĩ đã tiến hành nong bằng bóng, song kết quả đường mật còn vẫn còn hẹp 60%. Chưa hài lòng với kết quả này, chúng tôi quyết định áp dụng kỹ thuật mới là sử dụng tia laser Thulium để làm bốc hơi tổ chức thành đường mật", BS Bình chia sẻ.
Thulium là tinh thể đặc biệt, phát ra tia laser làm bốc hơi tổ chức mô, được áp dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, sử dụng laser Thulium để đốt hẹp đường mật là một kỹ thuật phức tạp, không phải vị trí nào cũng khoét được vì nằm song song với đường mật trong gan là các mạch máu lớn, nếu gây thủng mạch máu có thể dẫn đến chảy máu dữ dội. Vì thế, dựa trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ đường mật theo nhiều hướng, các bác sĩ lên kế hoạch chi tiết, đánh dấu vị trí có mạch máu và không có mạch máu, sau đó tiến hành đốt tại vị trí an toàn, giúp cải thiện hoàn toàn đường mật trở lại bình thường.
Theo BS Bình trước đây khoa cũng từng áp dụng kỹ thuật này cho một số ca nhưng bệnh nhân chỉ bị hẹp nhẹ, trường hợp này bị hẹp rất nặng.
Ưu điểm của phương pháp này là giải quyết được tình trạng hẹp đường mật trong gan mà không phải phẫu thuật. Từ trước đến nay đây là một vấn đề nan giải, không giải quyết được, không thể cắt nối thay thế được, đặt stent cũng có nhiều hạn chế... Chỉ khi nào đường mật bị hẹp quá nặng, dẫn đến nhiều sỏi, làm gan teo thì buộc phải mổ để cắt bỏ phần gan đó đi.
Hẹp đường mật nghĩa là giảm đường kính khu trú hoặc lan tỏa thành đường mật do bị xơ, dày và co rút, hay gặp sau chấn thương đường mật như sau phẫu thuật, chấn thương làm rách đường mật, do sỏi gây viêm xơ… Ngoài ra, hay gặp những trường hợp hẹp khư trú, hẹp lan tỏa ít gặp hơn do bẩm sinh, tự miễn, gene di truyền, rất nan giải. Theo bác sĩ, trong thực tế lâm sàng những trường hợp hẹp đường mật gặp khá nhiều và nếu chỉ lấy sỏi mà không giải quyết được nguyên nhân thì bệnh nhân sẽ bị tái lại.
Bệnh nhân bị sỏi đường mật trong gan hay sỏi gan thường có biểu hiện lâm sàng rất kinh điển như đau bụng, sốt, vàng da do nhiễm trùng đường mật, ứ mật, sỏi cọ xát. Việc phát hiện bệnh khá đơn giản bằng cách siêu âm định kỳ, nếu cần thiết các bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng để đánh giá giải phẫu và lên phương án điều trị phù hợp nhất với từng ca bệnh.
Tuy nhiên, trước khi xử lý hẹp đường mật phải xác định vị trí hẹp có phải ung thư hay không. Hẹp đường mật lành tính và hẹp ác tính có biểu hiện tương đối giống nhau tuy nhiên có thể phân biệt bằng chụp cộng hưởng từ tìm khối u và xét nghiệm một số dấu ấn ung thư. Nếu như cơ sở có đủ điều kiện trang thiết bị có thể sinh thiết đường mật.
Theo BS Bình, kỹ thuật mới này mang lại hy vọng cho bệnh nhân bị hẹp đường mật, tránh nguy cơ tái phát sỏi do cắt đứt được vòng xoắn bệnh lý. Theo dõi bước đầu, trong số các bệnh nhân được can thiệp hiện kết quả tốt, chưa thấy tái phát lại.