Kiến ba khoang “tấn công” dân Hà Nội

(Dân trí) - 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân đến bệnh viện khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gia tăng đáng kể. Đáng nói, nhiều trẻ em bị viêm da tiếp xúc rất nặng do nọc độc của kiến ba khoang, phải điều trị cả tuần mới ổn định.

Viêm da vì kiến ba khoang
Kiến ba khoang “tấn công” dân thành thị


Tại BV Nhi Trung ương, mỗi ngày phòng khám Da liễu BV tiếp nhận khoảng 10 -20 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đến khám. Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi đến khám vì viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Chị Phương phát hiện con gái 3 tuổi của mình bị mẩn đỏ khắp vùng cổ, tay và cổ chân khi ngủ dậy buổi sáng. Lúc đầu chỉ hơi đỏ, sau rõ lên, rồi xuất hiện mủ. Nghĩ con bị zona thần kinh, chị đưa đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) khám. Lúc này, chị mới biết con bị viêm da tiếp xúc. 

“Khi bác sĩ hỏi có phát hiện kiến ba khoang trong nhà không, mình nghĩ bụng nhà mình ở chung cư cao tầng, tầng 10 thì lấy đâu ra kiến nên lắc đầu. Tuy nhiên bác sĩ vẫn kê thuốc bôi ngoài da cho bé. Đến tối về, đang ngồi ăn cơm thấy có chú kiến ngay trên bàn, lấy tay đập bộp một cái thì mới biết nhà có kiến ba khoang thật. Vùng tay chạm vào kiến của mẹ cũng bị phồng đỏ”, chị Phương kể lại.

“Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh Zona. Khác với Zona thần kinh có dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn; Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể, còn viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể gặp bất cứ vị trí nào có tiếp xúc, trong đó chủ yếu là vùng da hở”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.

Phòng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang như thế nào?

Hiện đang là “mùa” kiến ba khoang. Đây là một loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ, nhìn giống con kiến. Trong dân gian, chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau: kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít.

Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn ban đêm và thường đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn. Người dân có thể dựa vào đặc tính này để hạn chế kiến ba khoang vào nhà vì kiến ba khoang rất khó diệt... 

Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, tình trạng viêm da (giới chuyên môn gọi là viêm da tiếp xúc do côn trùng, người dân gọi là bệnh “giời leo”) thường xuất hiện ở vùng hở như: mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay. Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Thương tổn tiếp tục xuất hiện mặc dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ tiếp tục quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp (kissing lesion). Bệnh nhi có cảm giác rát bỏng tại chỗ, nếu thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

“Con kiến ba khoang rất nhỏ, nếu không để ý, chúng có thể bám vào quần áo, chăn màn, khăn rửa mặt và khi tiếp xúc với da, nọc độc của kiến ba khoang có thể khiến da bị tổn tương. Vì thế, quần áo sau phơi khô cất cần rũ mạnh, trước khi mặc đồ cũng phải rũ mạnh quần áo, hạn chế bật đèn trong nhà, chỉ bật đèn ban công. Còn nếu bật đèn trong nhà thì nên đóng chặt các cửa, bật điều hòa cho trẻ chơi bên trong”, TS Dũng khuyến cáo.

Nếu phát hiện được kiến ba khoang ngay sau khi tiếp xúc cần loại bỏ côn trùng, nên dùng giấy ăn, găng tay để bắt kiến. Nếu có tiếp xúc, rửa vùng da tiếp xúc  bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ. 

Nếu nhẹ sau một vài ngày tình trạng viêm da sẽ khô, còn nặng có thể bôi các thuốc làm dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng Histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm theo chỉ định của bác sĩ.

Hồng Hải