1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Nam:

Kiểm soát chặt chẽ chợ đầu mối khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng

(Dân trí) - Những ngày qua dịch tả lợn Châu Phi lại phát tán mạnh tại 2 xã Quế Xuân 1 và Quế Xuân 2 (Quế Sơn), huyện Thăng Bình và huyện Duy Xuyên của Quảng Nam. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch, lực lượng Thú y tại Quế Xuân 1 đang nỗ lực thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc, đặc biệt là siết chặt khâu kiểm soát, kiểm dịch cả đầu ra lẫn đầu vào tại khu vực chợ heo đầu mối Bà Rén (Quế Xuân 1, Quế Sơn).

Dịch lại lan rộng

Theo ông Nguyễn Mậu Ánh (Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn, Quảng Nam), Quế Sơn có 14 xã, thị trấn thì hiện giờ đã có 12 xã, thị trấn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại, chỉ còn 2 xã Quế An và Quế Hiệp chưa xuất hiện vi rút gây bệnh.

Kiểm soát chặt chẽ chợ đầu mối khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng - 1

Chợ heo đầu mối Bà Rén vẫn hoạt động mua bán bình thường, nhưng khâu phòng, khử trùng được thực hiện gắt gao hơn; đặc biệt là việc quản lý đầu vào và đầu ra của chợ

Số liệu thống kê mới nhất, tính đến hiện nay, toàn huyện Quế Sơn đã có hơn 2.670 con heo của 664 hộ chăn nuôi ở 45 thôn, khối phố bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 166 tấn heo hơi. Hiện nay, tại Quế Sơn dịch vẫn còn lây lan mạnh chứ chưa có dấu hiệu chững lại.

Theo ông Phan Văn Thành – (Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, toàn xã Quế Xuân 1 đã có hơn 450 con heo bị bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại phải tiêu hủy khẩn cấp với tổng trọng lượng trên 30 tấn heo hơi. Mầm bệnh vẫn đang phát tán mạnh chứ chưa có dấu hiệu dừng lại.

Kiểm soát chặt chẽ chợ đầu mối khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng - 2

Hiện chợ heo buôn bán heo con và heo giống, số lượng heo cũng giảm hơn so với trước khi có dịch và bị ép giá nên người dân khá lao đao

“Hiện dịch tả Châu Phi đang trong giai đoạn “nóng” nhưng ý thức về phòng chống dịch của nhiều người dân quá kém. Trong thời gian qua, chính quyền xã Quế Xuân 1 đã phát hiện và xử lý khoảng 20 xác heo chết trôi sông. Vì là xã cuối nguồn kênh Phú Ninh, sông Bà Rén, công Ba nên heo chết các nơi khác trôi về”- ông Thành nói thêm.

Bên cạnh đó, dịch cũng đã xuất hiện tại tất cả 6/6 thôn của xã Quế Xuân 2 khiến hàng trăm con heo của hơn 125 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng khoảng 40 tấn heo hơi.

Kiểm soát chặt chẽ chợ đầu mối khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng - 3

Việc buôn bán trong chợ giảm 40-50% so với trước dịch

Tại huyện Duy Xuyên, ngoài 5 xã Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Thành, Duy Trung, Duy Sơn, những ngày qua mầm bệnh tiếp tục lây lan đến 3 địa phương khác là Duy Hòa, Duy Tân và thị trấn Nam Phước.

Tính đến ngày 30/7, tại các xã Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Thành, Duy Trung, Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Tân và thị trấn Nam Phước đã có 550 con heo của hơn 100 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 32 tấn heo hơi.

Đặc biệt, tại xã Duy Trung đã qua 35 ngày không phát sinh thêm heo mắc bệnh thì nay dịch lại tái bùng phát. Trong khi đó, hơn 2 tháng nay vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi cứ “dây dưa” ở 2 xã vùng đông của huyện Duy Xuyên là Duy Hải và Duy Nghĩa.

Kiểm soát chặt chẽ chợ heo đầu mối trong “cơn bão” dịch

Chợ heo đầu mối Bà Rén (Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam) nằm ở vùng dịch tiếp tục lây lan của tỉnh, nên những ngày qua công tác phòng và kiểm soát dịch được thực hiện gắt gao hơn.

Kiểm soát chặt chẽ chợ đầu mối khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng - 4

Việc bảo hành cho heo cũng được những người thu mua lẻ yêu cầu cao hơn, nếu từ 6-7 ngày mà heo có dấu hiệu không tốt là họ lập tức mang trả

Theo bà Nguyễn Thị Ba (54 tuổi, người buôn lợn) cho biết, hiện tại chợ heo đầu mối Bà Rén vẫn chưa có lệnh cấm buôn bán, người ta vẫn buôn bán heo con và heo giống như bình thường. Tuy nhiên, về khâu phòng, khử trùng và tiêu độc thì ngày càng gắt gao hơn; các đội kiểm tra dịch bệnh cũng thường xuyên kiểm tra để đảm bảo không có heo dịch “tuồn” vào trong chợ.

“Chợ heo này vẫn hoạt động nhưng số lượng không nhiều như trước khi có dịch. Chúng tôi cũng lao đao lắm, trước heo giống có giá 500 ngàn/con thì nay chỉ còn 300 ngàn/con. Ngoài ra, có những người mua lẻ về nuôi thì đòi phải có bảo hành cho heo. Họ đòi bảo hành từ 6-7 ngày, nếu có chuyện gì thì đem trả ngay lập tức nên chúng tôi khi buôn bán cũng phải lựa kỹ. Ngoài ra, thú y cũng hay đi kiểm tra nên chợ này chưa xuất hiện heo dịch, vì thế mới được buôn bán đến giờ này”, bà Ba chia sẻ thêm.

Ngoài ra, tại đây “đội quân bồng heo” của chợ cũng lâm vào cảnh ế ẩm thì ít người thuê bồng. Bà Nguyễn Thị Nga (thôn Bà Rén, Quế Xuân 1) cho biết, tôi chưa thấy dịch nào mà “dây dưa” như dịch này. Tôi theo nghề bồng heo đã mấy chục năm, thương lái họ bán được ít thì mình cũng bồng heo ít hơn nên thu nhập thấp lắm”.

Theo ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch xã Quế Xuân 1, Quế Sơn - hiện nay bình quân mỗi ngày thương lái và người dân ở khắp nơi đưa khoảng 500 con heo choai, heo sữa đến bán tại chợ heo Bà Rén, chủ yếu là người buôn bán lớn thu mua. So với thời điểm Quảng Nam chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, hơn 2 tháng nay số lượng heo tiêu thụ hằng ngày ở chợ này giảm 40-50%.

Sau khi thu mua, người buôn heo thuê ô tô tải vận chuyển đi tiêu thụ ở nhiều địa phương của cả nước, phần lớn là các tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam. Do đó, trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, lực lượng thú y các cấp và chính quyền xã Quế Xuân 1 chú trọng siết chặt khâu kiểm soát, kiểm dịch tại khu vực chợ heo Bà Rén.

Ban quản lý chợ cùng đội ngũ cán bộ thú y cơ sở đảm nhận khâu kiểm soát đầu vào, nếu kiểm tra lâm sàng phát hiện con heo nào có dấu hiệu bị nhiễm bệnh thì kiên quyết không cho thương lái cũng như người dân đưa vào chợ bán và tiến hành các bước xử lý theo quy định hiện hành. Trong khi đó, lực lượng thú y tỉnh và huyện Quế Sơn thực hiện việc kiểm dịch chặt chẽ trước khi cấp giấy chứng nhận cho các chủ buôn xuất heo từ chợ Bà Rén đi tiêu thụ ở những địa phương khác.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Nam, trong vòng hơn 2 tháng nay dịch tả lợn châu Phi đã khiến 50.206 con heo của 12.249 hộ chăn nuôi ở 14/18 huyện, thị xã, thành phố bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 2.630 tấn heo hơi.

Ngoài ra, Chính phủ và UBND tỉnh cũng liên tục đề nghị ngành liên quan cùng chính quyền các cấp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và lập bản cam kết với từng cơ sở, hộ chăn nuôi về việc thực hiện triệt để “5 không” là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi heo; không điều trị heo nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

C.Bính-N.Linh