1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kiểm soát biến chứng chết người của căn bệnh thầm lặng tấn công gần 50% dân số

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, các biến chứng gây chết người như suy tim, rối loạn nhịp, phì đại tâm thất, xơ vữa động mạch... hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu kiểm soát tốt huyết áp, từ bỏ các yếu tố nguy cơ.

Sáng 7/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo dự án phòng chống bệnh lý tim mạch tổ chức “Chương trình giáo dục sức khoẻ cộng đồng về bệnh lý tim mạch – Tăng huyết áp – bệnh tim mạch thường gặp nhất” với chủ đề “Dáng đẹp – tim khoẻ”.

Kiểm soát biến chứng chết người của căn bệnh thầm lặng tấn công gần 50% dân số - 1

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cảnh báo căn bệnh cao huyết áp gặp phổ biến nhất, nó gây hại trực tiếp cho tim, não, thận...

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, tăng huyết áp là căn bệnh tiến triển “thầm lặng” và tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe doạ tính mạng người bệnh.

Tăng huyết áp phổ biến đến mức, cứ 3 người lại có một người cao huyết áp và có những trường hợp chỉ khi gây biến chứng tai biến mạch máu, nhồi máu cơ tim... người ta mới biết bản thân bị huyết áp.

Đáng nói, tuy gây nhiêu biến chứng nguy hiểm, nhưng tăng huyết áp nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, điều trị đúng chỉ định sẽ kiểm soát tốt các nguy cơ biến chứng.

Cùng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Lân Việt – Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam khẳng định, tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến nhất trong tim mạch.

Kiểm soát biến chứng chết người của căn bệnh thầm lặng tấn công gần 50% dân số - 2

GS.TS Nguyễn Lân Việt – Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam khẳng định, tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến nhất trong tim mạch.

"Tuy nhiên, diễn tiến bệnh âm thầm, người bệnh có thể sẽ không phát hiện ra triệu chứng bệnh. Thậm chí dù không có biểu hiện nào, nhưng tăng huyết áp vẫn gây tổn thương mạch máu, các bộ phận trong cơ thể như: Não, tim, mắt và thận", GS Việt cho biết.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới thì hiện đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp, và mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân cao huyết áp tăng nhanh. Những năm 1970 chỉ có khoảng 2% người lớn bị tăng huyết áp thì những năm 1990 là 11% và những năm đầu 2000 là 16%. Năm 2008, nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có tới 25,1% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp.

Nhưng tỉ lệ mắc bệnh không dừng ở đó mà tiếp tục gia tăng. Năm 2015 một nghiên cứu tại cộng đồng do Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành điều tra dịch tễ học tăng huyết áp tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp đã lên tới 47,3% ở những người trên 25 tuổi.

“Điều đó cho thấy, gánh nặng về bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp đã trở thành một vấn đề cấp bách hiện nay. Đã tới lúc chúng ta phải chặn xu hướng phát triển và làm giảm gánh nặng của bệnh này lên xã hội với những biện pháp thích hợp nhất”, GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến nghị.

"Cao huyết áp là bệnh phải kiểm soát, điều trị suốt đời. Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người dân cần giảm ăn mặn, không uống rượu bia, hút thuốc lá, tăng cường vận động để kiểm soát bệnh", GS Việt khuyến cáo.

GS Việt thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016 – 2020, giao Bộ Y tế chủ trì; trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020: 50% số người bị tăng huyết áp được phát hiện sớm; 30% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.

Do đó, Ban điều hành Chương trình phòng chống bệnh lý tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia đã phối hợp với Sở Y tế của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai Chương trình giai đoạn 2016 – 2020  với các nội dung cụ thể:

Nghiên cứu, đào tạo tập huấn chuyên môn phòng, chống bệnh tim mạch; sàng lọc phát hiện sớm, quản lý người bệnh tăng huyết áp; xây dựng, triển khai mô hình ghi nhận, quản lý người bệnh tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim; tổ chức mô hình sinh hoạt câu lạc bộ cho người bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Kiểm soát biến chứng chết người của căn bệnh thầm lặng tấn công gần 50% dân số - 3

Đặc biệt, việc truyền thông để người dân nhận biết, kiểm soát tốt căn bệnh này là rất quan trọng. Tại “Chương trình giáo dục sức khoẻ cộng đồng về bệnh lý tim mạch – tăng huyết áp – bệnh tim mạch thường gặp nhất” với chủ đề “Dáng đẹp – tim khoẻ, đã có hơn 1.000 người dân Thủ đô, gồm hội viên: Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các trường học và các cơ quan đoàn thể trên địa bàn Hà Nội đã tham gia đồng diễn thể dục, đi bộ vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm…

Chương trình nhằm lan tỏa thông điệp: Khuyến khích mọi người, đặc biệt là những người trên 40 tuổi tăng cường hoạt động thể chất, sinh hoạt điều độ, ăn uống lành mạnh để tăng cường sức khoẻ và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. 

Hồng Hải