1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Khuyến mại” của giải khát vỉa hè

Miệng ly cà phê đưa khách dính... son môi, bà hàng tỉ mẩn lấy chiếc giẻ cáu bẩn chùi vết son rồi đưa lại cho khách. Cà phê xổm, trà đá, nước mía, sữa đậu đều cần loại giẻ đa dụng này, giúp tẩy vết bẩn của... khách uống trước đó.

Trà đá, cà phê siêu rẻ, siêu bẩn

 

Dạo các quán ăn Hà Nội mới thấy trà đá, loại nước giải khát rẻ tiền và được ưa chuộng trong những ngày nắng nóng siêu bẩn đến thế nào.

 

Tại một quán ăn trên đường Đê La Thành (Hà Nội), sau khi gọi đồ ăn, mấy vị khách nọ gọi thêm vài cốc trà đá. Trà được đựng trong một cái xô nhựa cũ đên kịt dưới gầm bàn để thức ăn. Trà đã pha được hoà sẵn nước nguội cạn xấp xỉ dưới đáy xô. Cô nhân viên thoăn thoắt vục mấy chiếc cốc nhựa vàng khè vào xô múc, bàn tay nhầy mỡ quờ trong thùng đá đã đập sẵn rồi lấy vài miếng thả vào cốc. Váng mỡ vàng nổi lềnh bềnh, khách vẫn khoan khoái uống.

 

Giá chung là 1.000 đồng/cốc nhưng trà đá Hà Nội có mức bẩn khác nhau. Siêu bẩn phải kể đến các quán cóc ven đường, gần bến xe. Vật đựng thường là những chiếc cốc nhựa ngả vàng, đỏ, cáu đen vì lâu ngày không được cọ rửa; trà thường có màu khác lạ, đá được thả vào cũng hoe vàng.

 

Thức giải khát rẻ tiền và được ưa chuộng khác như chè, tào phớ, do yêu cầu nhanh và tiện lợi, đồ đựng càng đơn giản khâu làm sạch càng tốt. Ở ven chợ Nhà Xanh, Nghĩa Tân, Ngã Tư Sở..., bát, cốc chén vừa dọn của lượt khách trước được thả vào một chậu nước đã đục ngầu, rồi vớt lên tráng qua một lượt nước để dùng mời khách mới.

 

Tại một quán chè ven chợ Nhà Xanh, sau khi tráng cốc qua một lượt nước, người bán lấy một chiếc khăn đen kịt ngồi lau những vết bẩn còn sót lại cho thực khách yên tâm ăn.

 

Ở TPHCM, thức uống ngày hè được nhiều người mê mẩn do giá rẻ là cà phê xổm cũng được làm sạch ly cốc theo cách tương tự. Tại công viên Thống Nhất, cổng trường ĐH Kiến Trúc, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - nơi khách ngồi tấp nập ngày đêm, nhưng dụng cụ rửa ly cốc của mỗi bà hàng bao giờ cũng chỉ là... một xô nước nhỏ. Khi rảnh khách, chủ quán sẽ tráng sơ nước mà không cần dung dịch nước tẩy rửa nào. Khi khách hàng thắc mắc, chủ quán N. H. Luận trước cổng ĐH Kiến Trúc thật thà cho hay: "Cà phê mà, có tí dầu mỡ nào đâu mà cần xà bông tẩy rửa".

 

Phan Thanh Hoà, ĐH Kiến Trúc cho biết, có lần gọi cốc cà phê, thấy còn dính... son môi của ai đó đã uống trước đó trên miệng ly, anh bèn thắc mắc với người bán hàng. Bà chủ liền nhận lại ly cà phê lại, dùng một cái khăn cũ tới độ nhìn tưởng là... giẻ lau tỉ mẩn chùi vết son và đưa lại cho khách. Đương nhiên Hoà không dám uống ly cà phê "khuyến mại" son môi này và dù cà phê xổm rất rẻ, 5 - 10 ngàn đồng/ly, Hoà không thể hết cảm giác ghê ghê khi uống.

 

Mía đá cắm... miệng cống

 

Nắng nóng cao điểm, trà đá không đắt khách bằng nước mía. Nên hè này Hà Nội mọc thêm hàng loạt các quán mía đá vỉa hè, bên đống cát, cạnh địa điểm tập kết xe rác, thậm chí cạnh cống rãnh.

 

“Khuyến mại” của giải khát vỉa hè - 1

Cạo vỏ mía ngay cạnh đống cát

Mấy quán trà, mía đá trên đường Đội Cấn ngay cạnh bãi tập kết xe rác bốc mùi hôi thối vẫn đông nghịt mỗi tối. Chủ hàng tiện tay ép bã mía đến đâu vứt vào xe rác ngay lúc ấy. Có quán bán mía, chủ hàng bào sẵn vỏ để những thanh mía chềnh ềnh trong nhà ở xó bếp 1, 2 ngày mới đem ra ép để phục vụ khách. 

 

Tại một hàng mía đá trên đường Bà Triệu, những cây mía dài được đặt dưới gốc cây không đủ chỗ, chủ hàng tự tạo chỗ để mới bằng cách... cắm mía lên cống nước.

 

Trên các con đường nổi tiếng về bụi như Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, các quán nước giải khát mọc lên san sát, khói bụi bám đầy. Mía đã được róc sẵn dựng ngay bên hè đường từ sáng đến trưa, máy xay nước mía chỉ đậy một miếng vải mỏng bám đầy bụi. Mỗi lần xe tải đi qua, một vệt bụi phủ đầy bàn ghế, cốc chén, mía cây mà người bán hàng có lau cũng không xuể.

 

“Khuyến mại” của giải khát vỉa hè - 2

Vừa ép mía vừa tranh thủ dọn bã

Đi qua các cửa hàng mía đá, thấy bã mía ép xong bày chềnh ềnh trên vỉa hè thu hút ruồi nhặng vo ve. Không khó để bắt gặp cảnh chủ cửa hàng dùng tay ôm chỗ bã mía này dọn sang một bên rồi lúc sau lại dùng tay ép mía, bốc đá làm cho khách.

 

Đấy là còn chưa kể đến không ít các quán siêu tiết kiệm, người bán dùng lại đá, sử dụng lại ống hút của khách trước không qua rửa... Và đá cây được sử dụng xuất xứ từ đâu thì chẳng ai biết.

 

Vậy mà đi qua các hàng quán bụi những ngày này, những đồ uống giải khát như vậy lúc nào cũng đắt hàng!

 

Sữa đậu chế cạnh... nhà vệ sinh

 

Vào xưởng sữa đậu nành ở khu chợ đường Hoàng Hoa Thám HN, thấy ngay mùi chua chua của bã đậu để lâu ngày. Phía trong, những xô, chậu, thùng phuy… cáu bẩn nằm lăn lóc trong khoảng không gian tầm 3 m2. Nền nhà luôn trong tình trạng ẩm ướt vì nước. Ngay sát với khu vực làm đậu phụ và sữa đậu nành là nhà vệ sinh và cái chuồng lợn được ngăn cách bởi cánh cửa ọp ẹp. Mở cánh cửa ra, một mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu.

 

“Khuyến mại” của giải khát vỉa hè - 3

Chế biến sữa đậu nành ngay cạnh nhà vệ sinh

Vào xưởng sữa đậu nành khu chợ ngõ 155 đường Hoàng Hoa Thám, thấy ngay mùi chua chua của bã đậu để lâu ngày. Phía trong, những xô, chậu, thùng phuy… cáu bẩn nằm lăn lóc trong khoảng không gian tầm 3 m2. Nền nhà luôn trong tình trạng ẩm ướt vì nước. Ngay sát với khu vực làm đậu phụ và sữa đậu nành là nhà vệ sinh và cái chuồng lợn được ngăn cách bởi cánh cửa ọp ẹp. Mở cánh cửa ra, một mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu.

 

“Khuyến mại” của giải khát vỉa hè - 4

Sữa "sạch" xuất xưởng từ đây

Nồi sữa đặt giữa nền nhà, một lớp váng đọng lại bên trên có nhiều bụi màu đen. Bà chủ vừa làm vừa dùng giẻ huơ ngang để xua đuổi ruồi nhặng, bụi bẩn cứ thế rơi lã chã vào nồi sữa đậu nành. Đến khi cho sữa vào chai, bà lấy một tấm vải mùng màu "cháo lòng" để ngăn lớp váng. Lớp váng còn lại  bám lấy thành nồi, ruồi bâu chi chít, tấm vải mùng chuyển sang màu ngà đặc sệt, được rửa qua loa để tiếp tục chế biến lần tiếp theo. Sữa đậu nành cứ thế được bà chủ đem "rải" ở nhiều quán vỉa hè dọc khu phố.

 

Một chị bán đậu phụ và sữa đậu nành ở chợ Phúc Xá bảo, nếu muốn uống sữa ngon cứ chọn hàng đắt mà mua, bởi sữa càng rẻ thì càng loãng. Giá bình thường của một lít sữa đậu nành là 4000đ. Nếu muốn bán rẻ, người làm chỉ cần pha thật nhiều nước lã vào nước vắt đậu, đun sôi lên là xong. Đôi khi vì lợi nhuận, sữa đậu nành sau khi pha thêm nước lã vào chưa kịp sôi kĩ đã được mang ra bán.

 

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), sữa đậu nành là một trong 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Và theo Trung tâm chống độc Việt Nam, hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc sữa đậu nành kém chất lượng đang được điều trị tại trung tâm đều do tụ cầu vàng - loại khuẩn có ở da tay một số người khoẻ mạnh.

 

Theo Dương Hương Thuỳ

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm