1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khung sim điện thoại nằm vắt ngang thực quản bé 2 tuổi

(Dân trí) - Với được vật lạ trên bàn, bé P.A. cho vào miệng nhai, nuốt. Ngay lập tức cháu ho sặc sụa, tím tái. Tại bệnh viện, qua nội soi bác sĩ lấy ra một mẩu nhựa hình chữ U nằm vắt ngang thực quản của bé.

Ngày 15/4, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết tại đây vừa cấp cứu thành công một trường hợp bị hóc dị vật rất nguy hiểm. Nạn nhân là bé N.N.P.A. (2 tuổi). Theo thông tin từ gia đình, trước đó cháu ở nhà với cha mẹ. Trong lúc người cha sửa điện thoại có lấy một chiếc sim mới để lắp vào máy.

Mẩu khung sim điện thoại được lấy ra từ thực quản của bé
Mẩu khung sim điện thoại được lấy ra từ thực quản của bé

 

Trong lúc mải mê với công việc anh chưa kịp bỏ phần khung nhựa nhỏ bao quanh phía ngoài của chiếc sim điện thoại. Thấy vật lạ trên bàn, bé P.A. với lấy rồi cho vào mồm nhai nuốt. Ngay lập tức cháu ho sặc sụa, tím tái, ói ra một mẩu nhựa nhỏ. Tá hỏa, người cha vội kiểm tra những đồ vật mình đã bỏ lại trên bàn thì phát hiện chiếc khung sim điện thoại đã biến mất.

 

Bé P.A. tức tốc được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng khó thở, không uống được nước, miệng nhiều nước bọt, khó nuốt, than đau… Sau khi tiến hành X-quang kiểm tra, bác sĩ phát hiện một mẩu nhựa hình chữ U năm vắt ngang 1/3 trên thực quản của cháu bé. Qua nội soi, bác sĩ lấy ra dị vật là khung của chiếc sim điện thoại mà người cha tìm không thấy. Sau khi dị vật được gắp ra ngoài, tình trạng của bệnh nhi nhanh chóng được cải thiện.

 

Hóc dị vật là tai nạn đặc biệt nguy hiểm có thể khiến trẻ tử vong do bị tắc đường thở. Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh phải luôn cẩn trọng, chú ý loại bỏ mọi yếu tố có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Tuyệt đối không cho các bé chơi những món đồ nhỏ có thể đưa lọt vào miệng. Phụ huynh cũng cần trang bị cho mình những kiến thức sơ cấp cứu cơ bản để kịp thời hỗ trợ trẻ trong tình huống xấu nhất trước khi chuyển đến bệnh viện.

Li Uyên