Bệnh viện Ung Bướu TPHCM:
Khu khám, điều trị kỹ thuật cao 11 năm vẫn… nằm trên giấy
(Dân trí) - Phê duyệt rồi lại hủy bỏ, 11 năm qua Khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao, bệnh viện Ung Bướu TPHCM vẫn nằm trên giấy. Hạ tầng bệnh viện xuống cấp, bệnh nhân quá tải trầm trọng, vốn đầu tư đội lên hàng trăm tỷ nhưng các bên liên quan vẫn “cựa quanh”.
Nhiều lần phê duyệt lại hủy bỏ
Chiều 16/4, Ban kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân TPHCM đã có cuộc làm việc với bệnh viện Ung Bướu TPHCM cùng các bên liên quan là Sở Y tế, Sở kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng về tiến độ thực hiện Dự án xây dựng Khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao tại số 47 Nguyễn Huy Lượng thuộc bệnh viện Ung Bướu.
Đối mặt với tình trạng quá tải và nhu cầu đưa kỹ thuật cao vào điều trị cho bệnh nhân ung thư, từ năm 2004, bệnh viện Ung Bướu đã trình dự án trên với quy mô 7 tầng, diện tích sàn 7.300m2 do bệnh viện làm chủ đầu tư, được UBND thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2008, dự án vẫn chưa thể triển khai, trước tình trạng giá vật tư xây dựng tăng cao, bệnh viện xin điều chỉnh tổng mức đầu tư và được thành phố phê duyệt tăng lên thành 76,55 tỷ đồng.
Những tưởng, việc xây dựng sẽ được triển khai nhưng đến năm 2012 tất cả vẫn chỉ là “con số không”. Bệnh viện Ung Bướu đã phải xin hủy dự án cũ lập lại dự án mới. Cùng năm này, UBND thành phố đã quyết định giao dự án về cho Sở Y tế làm chủ đầu tư. Nhưng từ đó đến nay, các bên liên quan mới chỉ giải quyết được khâu dọn dẹp mặt bằng và rà phá bom mìn trên mảnh đất dự kiến sẽ xây dựng khu kỹ thuật cao.
Ông Huỳnh Văn Biết, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay: “Từ khi Sở Y tế được giao làm chủ đầu tư đến nay, sở đã trình dự án và được UBND thành phố phê duyệt ngày 29/9/2014 với tổng kinh phí đầu tư 204 tỷ đồng cho phần xây dựng cơ bản. Kế hoạch đấu thầu xây dựng cũng được phê duyệt ngày 5/3/2015. Hiện Sở đang chọn đơn vị tư vấn thiết kế bản vẽ, dự kiến khoảng tháng 8 sẽ hoàn thành để tổ chức đấu thầu thi công, nếu mọi việc theo đúng tiến độ, tháng 10 sẽ khởi công xây dựng.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 3/2015 bệnh viện Ung Bướu lại trình kế hoạch khác, đề xuất toàn bộ dự án sẽ chuyển sang phương án vay vốn kích cầu vì lý do thành phố không đủ ngân sách đầu tư. Theo đó, bệnh viện chia dự án thành 3 tiểu dự án, với tổng kinh phí 668 tỷ đồng, một là: xây lắp cơ bản 204 tỷ, sử dụng vốn kích cầu ngân sách thành phố trả gốc và lãi; hai là: trang thiết bị 293 tỷ, vay vốn kích cầu, ngân sách thành phố trả lãi, vốn gốc chủ đầu tư trả; ba là: trang thiết bị xã hội hóa 171 tỷ.
Ngân sách thành phố không thiếu
Trước vấn đề bệnh viện Ung Bướu trình kế hoạch mới chuyển sang vay vốn kích cầu thay vì sử dụng nguồn ngân sách của thành phố, bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, Phó trưởng phòng Văn xã Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Dự án đã được UBND thành phố phê duyệt nhiều lần chứng tỏ ngân sách đã được cân đối. Nhưng 11 năm qua dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng, nguyên nhân không phải do thành phố không có vốn mà là do trình tự thủ tục của dự án không đảm bảo. Thời điểm đầu tiên khi dự án hình thành việc giao bệnh viện làm chủ đầu tư đã không hợp lý bởi chức năng của bệnh viện là khám chữa bệnh chứ không phải quản lý đầu tư.”
Do đó, năm 2012 thành phố giao dự án lại cho Sở Y tế làm chủ đầu tư, kế hoạch triển khai đang từng bước hoàn thiện. Nhưng nay, Sở Y tế lại kiến nghị chuyển chủ đầu tư về cho bệnh viện, chuyển nguồn vốn đầu tư từ ngân sách sang vay vốn kích cầu. Nếu chỉ tính thời gian bàn giao hồ sơ giữa chủ đầu tư mới và chủ đầu tư cũ đã phải mất ít nhất 3 tháng, thời gian kéo dài tổng mức đầu tư tiếp tục thay đổi, dự án lại phải ngưng để điều chỉnh là việc sẽ xảy ra. Mặt khác nếu vay vốn kích cầu trong 7 năm lãi suất sẽ đội tổng mức đầu tư lên gần 500 tỷ đồng.
Trước ý kiến của bà Huyền Nhung, BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TPHCM bày tỏ bức xúc: “Không chỉ y bác sĩ của bệnh viện mong mỏi mà cả bệnh nhân cũng đang ngày đêm trông chờ dự án để thoát cảnh quá tải. 11 năm qua, chúng tôi chờ đợi nguồn vốn ngân sách để xây dựng, và vốn kích cầu để mua sắm trang thiết bị nhưng chờ hoài không thấy.
Mỗi lần bệnh viện hỏi thì Sở Y tế đều trả lời ngân sách của thành phố không có nên bất đắc dĩ chúng tôi mới phải trình đề án mới chuyển sang vay vốn kích cầu cho xây dựng cơ bản. 11 năm qua, chúng tôi đã vô cùng khó xử với người bệnh, người dân trước sự lãng phí quá lớn của mảnh đất dự án bị bỏ trống và công sức làm đi làm lại dự án nhiều lần. Sở cam kết tháng 10 sẽ xây dựng nhưng không biết là tháng 10 của năm nào”.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố nhận định: Để dự án kéo dài là do thủ tục hành chính trong công tác đầu tư rườm rà, không thống nhất được các bên liên quan. Dự án đã được phê duyệt mà không triển khai là bất hợp lý. Đề nghị Sở Y tế, Sở Kế hoạch Dầu tư, Sở Xây dựng cần bàn bạc đi đến thống nhất về việc triển khai dự án. Ông Lâm cũng khẳng định ngân sách của thành phố không thiếu, thành phố cũng đã tính toán và dự trù nguồn vốn cho dự án. Do đó, Sở Y tế cần tính lại phương án thay đổi nguồn vốn đầu tư, thay đổi chủ đầu tư và sớm tham mưu cho UBND thành phố.
Vân Sơn