Không phải cứ ăn bưởi là ung thư vú
Bưởi ở Hoa Kỳ thường là loại bưởi chùm (grapefruit) hay còn gọi là bưởi đắng có tên khoa học citrus paradisi, khác với bưởi ở Việt Nam là bưởi ngọt (bưởi Năm Roi, bưởi da xanh) có tên khoa học là citrus grandis hay citrus maxima.
Ung thư vú xảy ra ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh tức là ít nhất 50 tuổi trở lên mới đáng ngại. Nghiên cứu vừa qua cho thấy ngày nào cũng ăn ít nhất 1/4 trái bưởi đắng mới có tác dụng này, thỉnh thoảng ăn vài múi thì không sao.
Có chứng cứ bưởi đắng có chứa một chất ức chế CYP 3A4, làm cho estrogen (nội tiết tố nữ) tích luỹ khiến nồng độ estrogen tăng cao trong huyết tương của người ăn bưởi. Vì chúng ta đã biết estrogen liên quan đến nguy cơ ung thư vú, có vẻ hợp lý là nếu ăn đều đặn bưởi đắng sẽ tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh.
Có rất nhiều nghiên cứu estrogen gây ung thư, chúng tôi xin nêu thêm một nghiên cứu khác để rộng đường suy luận:
Đề tài “Nồng độ estrogen trong huyết tương và nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ dùng hormon thay thế (estrogen) sau tuổi mãn kinh” của nhóm bác sĩ Bệnh viện Brigham về phụ nữ và Đại học Y khoa Harvard đăng trên Journal of National Cancer Institute (báo của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ) năm 2005, cho thấy nồng độ estrogen liên quan đến nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ không dùng hormon sau tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, việc người dùng hormon thay thế sau tuổi mãn kinh có tăng nguy cơ ung thư vú không thì chưa xác định rõ ràng. Do đó, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một nghiên cứu lâu dài, kiểm chứng từng ca một trong nghiên cứu sức khoẻ nhân viên điều dưỡng để tìm sự liên hệ giữa nồng độ estrogen trong huyết tương và ung thư vú phụ nữ sau tuổi mãn kinh trong số những người dùng hormon thay thế sau tuổi mãn kinh khi lấy mẫu máu.
Mẫu máu được thu thập từ 1989 đến 1990. Trong thời gian theo dõi đến 31.5.2000, có 446 phụ nữ có sinh ung thư vú và 459 người kiểm chứng (dùng hormone thay thế) hợp với tuổi, lúc lấy mẫu không có sinh ung thư.
Họ dùng phương pháp hồi cứu để ước lượng nguy cơ tương đối. Họ so sánh nồng độ hormon ở 459 người kiểm chứng với 363 phụ nữ sau tuổi mãn kinh không dùng hormon thay thế. Tất cả thử nghiệm thống kê đều gồm hai mặt.
Kết quả cho thấy người dùng hormon thay thế sau khi mãn kinh có mức estradiol, estradiol tự do, globulin gắn kết với hormon sinh dục (estrogen) và testosteron cao hơn, trong khi testosteron tự do lại thấp hơn người không dùng hormon sau tuổi mãn kinh. Trong số người dùng hormon sau tuổi mãn kinh, họ thấy có liên hệ không đáng kể với ung thư vú khi so nhóm có estradiol cao nhất và thấp nhất. Tuy nhiên estradiol và estradiol tự do về mặt thống kê liên quan đáng kể với nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trên 60 tuổi và phụ nữ với chỉ số thân khối BMI < 25.
Như vậy những người trên 60 tuổi và có uống estrogen và cơ thể gầy ốm mới có nguy cơ cao ung thư vú. Phụ nữ Việt Nam hiếm người dùng estrogen nên mặc dầu bưởi đắng có làm tăng estradiol trong huyết tương thì lượng tăng đó cũng không đáng kể.
Tóm lại, mặc dầu lượng estrogen cao ở phụ nữ mãn kinh liên quan đến ung thư vú, nhưng chưa có nghiên cứu nào cho biết cao thêm bao nhiêu là nguy hiểm. Hơn nữa, ngay trong giai đoạn này, cơ quan FDA Mỹ vẫn cho dùng hormon sinh dục như estrogen hàm lượng thấp trong một thời gian ngắn sau mãn kinh để chữa triệu chứng, tuy nhiên lượng hormon này cũng cao hơn lượng hormon tăng lên do bị ức chế chuyển hoá bởi hoạt chất của nước bưởi đắng trên CYP 3A4.
Cũng có những nghiên cứu khác cho biết estrogen chỉ nguy hiểm khi có thụ thể HER2 tiếp nhận estrogen và sinh ung thư chứ chưa chắc estrogen cao đã gây ung thư.
Còn thỉnh thoảng ăn bưởi đắng thì cơ hội sinh ung thư vú có lẽ không đáng kể.
Dù sao thì Đại học Y dược TPHCM và Đại học Cần Thơ nên nghiên cứu về sự khác biệt giữa bưởi đắng và bưởi ngọt ở Việt Nam để giúp nhà vườn an tâm hơn.
Theo DS Lê Văn Nhân - Hoa Kỳ
Sài Gòn tiếp thị