Không nên “tin” vào chẩn đoán của 1 bác sĩ?

(Dân trí) - Cứ 5 chẩn đoán y khoa có 1 chẩn đoán sai. Vậy tại sao bệnh nhân lại không thể đề xuất có thêm chẩn đoán từ bác sĩ khác?

Không nên “tin” vào chẩn đoán của 1 bác sĩ? - 1

Trong một chương trình khám từ thiện mới đây, sau khi khám và siêu âm, một bác sĩ đã ra chỉ định can thiệp tim mạch cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi chuyển hồ sơ khám tới một bác sĩ giàu kinh nghiệm hơn, bác sĩ này khẳng định chưa cần mổ, chỉ cần theo dõi vì đến lớn trẻ có thể hết.

Đó là câu chuyện của một bệnh nhân may mắn tại Việt Nam khi họ có cơ hội được tiếp cận với nhiều bác sĩ ở cùng 1 thời điểm.

Trên thực tế, tại các nước phát triển như Mỹ, chẩn đoán khác nhau là rất phổ biến.

Cụ thể, theo một nghiên cứu của Trung tâm Y khoa Mayo nổi tiếng (Hoa Kỳ) công bố vào tháng Tư này trên Huffingtonpost, trong số 286 bệnh nhân đã khám 1 bác sĩ và hỏi ý kiến thêm từ bác sĩ khác trong 2 năm (2009-2010), 88% đã có chẩn đoán thứ 2 được điều chỉnh hoặc khác hoàn toàn so với chẩn đoán của bác sĩ đầu tiên (trong đó, 66% bệnh nhân được chẩn đoán kỹ càng hơn và 22% nhận được kết quả hoàn toàn khác so với chẩn đoán ban đầu). Như vậy, chỉ có 12% bệnh nhân nhận được kết quả khẳng định chẩn đoán ban đầu là đúng.

Tiến sĩ James Naessens, nhà nghiên cứu về chính sách chăm sóc sức khoẻ của Mayo Clinic, khẳng định trong báo cáo: “Rõ ràng, cứ 5 bệnh nhân chuyển viện, có hơn 1 bệnh nhân có thể bị chẩn đoán sai, chưa kể những bệnh nhân không nằm viện”.

Theo Naessens, nghiên cứu này chỉ tập trung vào những bệnh nhân được giới thiệu hội chẩn, do chẩn đoán đầu tiên là rất nghiêm trọng, hoặc phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn. Và nhà cung cấp dịch vụ y tế thấy họ có trách nhiệm phải làm rõ thêm thông tin nên hoặc họ đồng ý với yêu cầu hội chẩn lần 2 từ bác sĩ khác của bệnh nhân

“Nghiên cứu của chúng tôi không nên diễn giải theo cách là 20% các chẩn đoán là sai. Tuy nhiên, việc hội chẩn hay xin ý kiến bác sĩ khác cần được xem là những nỗ lực cải cách trong chăm sóc sức khỏe”, Naessens nói.

Bởi việc tham khảo ý kiến chuyên môn từ bác sĩ khác sẽ giúp bệnh nhân tiếp cận nhanh hơn với phương pháp điều trị đúng, ngừng những cách điều trị không cần thiết.

Trước đó, các nghiên cứu khác cũng cho thấy việc tìm kiếm nhiều ý kiến chuyên môn từ các chuyên gia khác nhau sẽ ảnh hưởng tới quá trình điều trị như nghiên cứu của ĐH Michigan năm 2006 trên bệnh nhân ung thư vú cho thấy, hơn một nửa bệnh nhân đã được thay đổi cách tiếp cận điều trị sau khi nhận được hội chẩn lần 2 với các chuyên gia ung thư, bác sĩ phẫu thuật và xạ trị.

Một nghiên cứu khác đã kiểm tra kết quả sinh thiết của 6.171 bệnh nhân được chuyển đến Viện Y học Johns Hopkins để điều trị ung thư cho thấy 86 bệnh nhân đã có những chẩn đoán sai lầm đáng kể, dẫn tới những điều trị không cần thiết hoặc không phù hợp. Mặc dù tỉ lệ này là thấp (1,4%) nhưng nếu nhân rộng lên toàn nước Mỹ, con số sai lầm cũng không hề nhỏ: 30.000 trường hợp.

Hội chẩn lần 2 không dễ!

Một bệnh nhân từng phát hiện ung thư vú biểu mô xâm lấn qua lần chẩn đoán thứ 2, khác hẳn với chẩn đoán ban đầu là không ung thư, là ca sĩ Rita Wilson (58 tuổi) đã lên tiếng kêu gọi mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ thứ 2 bởi “Hội chẩn lần 2 từ bác sĩ khác đã cứu sống tôi”, Rita nói.

Tuy nhiên, trở ngại là bảo hiểm y tế không đồng ý thanh toán cho việc chẩn đoán lại với chỉ định xét nghiệm chuyên sâu hay làm lại xét nghiệm. Hơn nữa, các trung tâm y tế cũng không muốn gửi bệnh nhân tới các đơn vị khác để kiểm tra kết quả chẩn đoán đã có bởi ảnh hưởng đến danh tiếng của đơn vị.

Ngoài ra, phải kể tới sự thiếu kiến thức và thiếu quyết đoán cũng như vấn đề tài chính... khiến bệnh nhân không thể thực hiện khám lần 2 ở một cơ sở khác.

Những trở ngại này không chỉ là đối với bệnh nhân ở Mỹ mà có lẽ là rất phổ biến ở các nước như Việt Nam.

Và đó là lý do khiến nhiều bệnh nhân phải hứng chịu sự chậm trễ trong điều trị, tốn kém hơn do biến chứng và thậm chí là tử vong.

Trần Phương