1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Không được sơ cứu bỏng bằng nước đá lạnh

(Dân trí) - Một nguyên tắc khi sơ cứu bỏng cần nhớ: Tuyệt đối không ngâm đá lạnh mà chỉ dùng nước sạch bình thường làm hạ nhiệt độ bề mặt da.

Con tôi bị cả phích nước nóng đổ lên người. Tôi cũng đã sơ cứu cho cháu bằng cách dùng nước hạ thân nhiệt, nhưng chồng tôi nói phải dùng nước lạnh mới có hiệu quả. Anh ấy lấy nước trong tủ lạnh đổ ra chậu, cho thêm đá ngâm cháu vào.

 

Khi chúng tôi đưa cháu đến viện, bác sĩ nói nếu gia đình đưa đến muộn một chút nữa sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng vì thân nhiệt cháu bị hạ, mạch bị co. Tại sao lại có tình trạng như vậy, vì tôi được biết nước là một biện pháp hữu hiệu sơ cứu bỏng? - Hải Linh (Đồng Hới, Quảng Bình)

 

Thạc sĩ Nguyễn Như Lâm, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu Viện Bỏng Quốc gia trả lời: Chị nói đúng, sơ cứu bỏng bằng nước là một cách hiệu quả nhất. Khi bị bỏng, ngâm chỗ bỏng vào nước hoặc dùng vòi nước đang chảy xả vào chỗ bỏng sẽ làm giảm nhiệt độ bề mặt của da, có tác dụng giảm độ sâu của bỏng.

 

Tuy vậy, trong trường hợp này, chồng của chị đã không hiểu kỹ về sơ cứu bỏng bằng nước. Ở đây chỉ nói đến nước sạch bình thường chứ không phải là nước đá để trong tủ lạnh.

 

Khi ngâm cả người vào nước đá lạnh sẽ rất nguy hiểm vì nó gây co mạch và tụt thân nhiệt. Nguyên nhân là vì con chị đang bị bỏng, nhiệt độ trên da đang là rất nóng, đột ngột ngâm trẻ vào nước lạnh, nhất là lại ngâm lâu sẽ khiến sẽ bị hạ thân nhiệt dẫn đến cảm lạnh và gây co cơ khiến bác sĩ vừa phải tiến hành cấp cứu chữa cảm lạnh cho cháu, vừa phải tiến hành cấp cứu bỏng, việc điều trị càng phức tạp hơn. Thậm chí, trong nhiều trường hợp trẻ bị hạ thân nhiệt mà cha mẹ không biết cách cấp cứu và không đưa đến bệnh viện kịp thì có thể bị tử vong. 

 

Hồng Hải ghi