1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Không chỉ đường dây nóng mà có thể gọi trực tiếp cho tôi!”

(Dân trí) - “Tôi là người rất cầu thị, giao ban cứ ra rả hàng ngày về vấn đề này. Không chỉ đường dây nóng mà có thể gọi trực tiếp cho tôi, tôi cũng là một kênh tiếp thu”. Đó là khẳng định của bác sỹ Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc bệnh viện Phụ Sản Thanh Hóa.

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí tại các bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: BV Đa khoa tỉnh, bệnh viện Nội tiết, bệnh viện Nhi, bệnh viện Phụ sản, đường dây nóng trong các đơn vị này đã được thiết lập từ nhiều năm nay, trước khi có quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân và người nhà không mấy quan tâm, hoặc chưa từng sử dụng đến đường dây nóng.


Clip chia sẻ của các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Ghi nhận tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, số điện thoại đường dây nóng giao cho Phòng kế hoạch Tổng hợp trực chế độ 24/24. Theo đánh giá của bác sỹ Lê Đăng Khoa, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp thì hầu hết thông tin qua đường dây nóng hỏi, tư vấn về bệnh tật, những thông tin về bệnh viện tuyến dưới và cả những băn khoăn về công tác khám chữa bệnh…Những thông tin được bộ phận trực thu nhận và báo cáo lãnh đạo bệnh viện và Ban giám đốc để xử lý.

“Việc lập đường dây nóng giúp bệnh viện thu nhận thông tin hai chiều, mang lại lợi ích nhất định trong công tác quản lý. Trong quá trình khám chữa bệnh, có những thông tin rất đơn giản nhưng người bệnh không biết, thông qua đường dây nóng để được tư vấn như các chế độ liên quan đến bảo hiểm y tế, các chính sách. Cũng có trường hợp phản ánh về thái độ của y bác sỹ và bệnh viện, chúng tôi đã xác minh và xử lý. Thông tin tốt cũng được xác minh để kịp thời khen thưởng”, bác sỹ Khoa cho biết.

Số điện thoại đường dây nóng của BV Nhi Thanh Hóa.
Số điện thoại đường dây nóng của BV Nhi Thanh Hóa.

Theo bác sỹ Dương Văn Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Thanh Hóa, đơn vị này cũng đã thành lập đường dây nóng từ lâu và có chế độ trực 24/24. Những thông tin phản ánh chủ yếu là về vấn đề mất điện, mất nước, hỏi cách giải quyết. Khi có phản ánh qua đường dây nóng, người trực sẽ báo cáo lên lãnh đạo. Hàng ngày giao ban đều nắm và không có vấn đề gì nội cộm.

Số nhật lý điện thoại đường dây nóng của bệnh viện Nhi Thanh Hóa năm 2012 được ghi chép các cuộc gọi phản ánh của bệnh nhân, người nhà. Trong đó, ghi nhận từ ngày 25/9 đến ngày 9/10/2013 chỉ có hai ý kiến người bệnh phản ánh về tình trạng điện, nước và ghế ngồi.

Chị Lê Thị Vân, ở P. Trường Thi, TP Thanh Hóa, người nhà bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa, chia sẻ: “Đường dây nóng giúp bệnh nhân rất nhiều trong việc tiếp cận với bác sỹ để theo dõi sát về tình hình bệnh của con cái mình. Người nhà bệnh nhân và bác sỹ có thể trao đổi với nhau được nhiều hơn. Tôi thì tôi không bao giờ sử dụng đến đường dây nóng vì sự quan tâm của bác sỹ tương đối tốt”.

Sổ nhật ký ghi thông tin phản ánh qua đường dây nóng của BV Nhi Thanh Hóa.
Sổ nhật ký ghi thông tin phản ánh qua đường dây nóng của BV Nhi Thanh Hóa.

Tại bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa, cũng như các bệnh viện khác, việc triển khai số điện thoại đường dây nóng đã được làm từ trước. “Tôi thấy đến thời điểm này là rất cần thiết, mấy năm nay tôi chưa nhận được phản ánh nào qua đường dây nóng phản ánh về tinh thần, thái độ của cán bộ, nhân viên trong bệnh viện. Những bức xúc thường người nhà đến trực tiếp lãnh đạo, việc phản ánh trực tiếp là có. Chúng tôi thành lập đường dây nóng từ năm 2009. Dù chưa nhận được phản ánh qua đây, nhưng không phải vì thế mà chủ quan”, bác sỹ Lê Minh Sứ, Giám đốc bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa, khẳng định.

Bệnh nhân Phạm Ngọc Chung, quê ở Hậu Lộc, đang điều trị tại bệnh viện Nội tiết chia sẻ: “Tôi lên đây điều trị, lấy thuốc định kỳ hàng tháng. Nói chung bác sỹ ở đây phục vụ bệnh nhân rất tốt. Việc ngồi chờ đợi cũng được đảm bảo với bệnh nhân tiểu đường. Mình chưa có vấn đề gì cả để sử dụng đường dây nóng. Khi cần tư vấn thì hỏi trực tiếp bác sỹ điều trị”.

Số điện thoại và nhật ký của BV Nội tiết Thanh Hóa.

Số điện thoại và nhật ký của BV Nội tiết Thanh Hóa.
Số điện thoại và nhật ký của BV Nội tiết Thanh Hóa.

Theo khẳng định của nhiều bệnh viện thì không phải thời điểm Bộ Y tế có quy định mà từ trước đến nay, các bệnh viện đã thành lập đường dây nóng. “Không phải thời điểm bây giờ mà từ trước đến nay, chúng tôi đã có ý thức quản lý nhân viên, bệnh viện…phục vụ bệnh nhân. Chúng tôi mong muốn tiếp thu chỗ này, chỗ kia, khoa phòng này, con người này, người kia, ngày hay đêm. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, con người không phải ai cũng nói năng giống ai vì trình độ, nhận thức không giống nhau. Gần chục năm nay chúng tôi thực hiện rồi, khi có thông tin chúng tôi xử lý ngay”, bác sỹ Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc bệnh viện Phụ Sản Thanh Hóa khẳng định.

“Người phải đủ tầm mới phụ trách để giải quyết chứ không để cho một người không có khả năng giải quyết giữ đường dây nóng. Tôi là người rất cầu thị, giao ban cứ ra rả hàng ngày về vấn đề này. Không chỉ đường dây nóng mà có thể gọi trực tiếp cho tôi, tôi cũng là một kênh tiếp thu”, bác sỹ Giáp cho biết thêm.

Thông tin và số điện thoại đường dây nóng của BV Phụ Sản Thanh Hóa.
Thông tin và số điện thoại đường dây nóng của BV Phụ Sản Thanh Hóa.

Ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: “Sở đã có quy định gửi các đơn vị, các đơn vị thu thập thông tin phản chiều liên quan đến nhiều góc độ để nắm được sức khỏe, tư vấn, bức xúc chỗ này, chỗ kia… Đường dây nóng chỉ có một số và phải do trực lãnh đạo quản lý, có sổ theo bàn giao. Người nào trực nếu trong phạm vi giải quyết được thì giải quyết, nếu không thì báo cáo giám đốc, không giao cho bất cứ ai. Đường dây nóng phải luôn nằm tại bệnh viện, không thể khi có người gọi đến nói bác sỹ đi mổ, hay đi đâu cả. Các đơn vị cũng phải định kỳ báo cáo về Sở các thông tin giải quyết liên quan đến phản ánh qua đường dây nóng”.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm