Không ăn cá béo khi mang thai?

(Dân trí) - Ăn cá rất tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ nhưng chỉ nên ăn một lượng vừa phải và không nên chọn các loại cá nhiều mỡ.

Các nhà nghiên cứu cho biết mối nguy hiểm khi ăn nhiều cá và cá béo có thể là do nồng độ thủy ngân và các chất ô nhiễm trong cá có nhiều mỡ như là cá hồi, cá mòi, cá mập, cá maclin, cá kiếm… là khá cao.

 

Phụ nữ khi mang thai và cho con bú chỉ nên ăn cá 2 lần/tuần. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn một lượng cá vừa đủ có thể giúp thai nhi tăng cân và tăng trí thông minh cũng như ngăn cản hiện tượng đẻ sớm ở thai phụ. Đối với phụ nữ, nam giới, và thanh niên, khẩu phần cá của họ có thể lên tới 4 lần/tuần (140g/bữa).

 

Nghiên cứu được tiến hành trên 1.024 thai phụ sống tại bang Michigan, Hoa Kỳ. TS Mohan Lal và đồng nghiệp đã đo lượng thủy ngân có trong tóc và so sánh với ngày chuyển dạ của họ. Kết quả cho thấy, ở 44 trường hợp sinh sớm hơn 2 tuần, nồng độ thủy ngân trung bình trong mẫu tóc cũng cao gấp đôi so với các thai phụ sinh đúng ngày.

 

Phát ngôn viên của Hiệp hội dinh dưỡng Anh cho rằng:”Nếu phụ nữ mang thai vẫn muốn duy trì khẩu phần ăn này, thì tốt hơn họ nên đọc kỹ và kiểm tra xem loại cá trong thực đơn của họ có chứa quá nhiều lượng Vitamin A (retinol) hay không. Quá nhiều retinol có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi”.

 

Châu Phong

Theo BBC