Khốn khổ vì trời nồm

(Dân trí) - Độ ẩm quá lớn, ngoài trời mờ mịt như sương mù, trong nhà thì sàn nhà “đổ mồ hôi” ướt nhèm nhẹp khiến mọi sinh hoạt cá nhân của mọi người đều bị ảnh hưởng. Đáng nói, độ ẩm lớn còn tạo điều kiện cho nấm mốc, vi rút phát triển gây bệnh cho trẻ.

“Rừng” nấm mốc dưới gầm giường

Cả 5 ngày nay bé Diệu Anh (4 tuổi ở Vĩnh Tuy, Hà Nội) bị sổ mũi, hắt hơi hàng tràng, uống bao loại thuốc, rồi rửa muối biển, nhỏ thuốc mũi vẫn không ăn thua. Đi khám lại lần thứ 3 vì tình trạng sổ mũi không đỡ, bác sĩ khẳng định bé bị dị ứng với dị nguyên nào đó trong nhà.

Đưa con đi khám về, chị Kiều bước vào phòng ngủ của hai vợ chồng kiểm tra. Vừa lật tấm đệm giường lên thì mùi ẩm mốc xộc vào mũi khiến chị cũng bị hắt hơi liên tiếp mấy cái. Dựng được cả cái đệm lên thì chị phát hoảng bởi nấm mốc mọc xanh rêu ngay dưới mặt đệm.

“Cả đợt nồm lần trước kéo dài hàng tháng trời, nhà thì ở ngay tầng 1 ẩm ướt đã biết thể nào giường chiếu cũng có vấn đề. Nhưng mải đi làm, rồi ướt nhèm nhẹp suốt cũng không dám giặt chăn ga. Nào ngờ, nấm mốc kinh thế, ăn qua cả lớp chiếu vào hẳn áo đệm… Ra nó là thủ phạm khiến con bé sổ mũi liên tục. Nhưng giờ ẩm ướt này cũng chẳng biết phơi đâu, mình đành trải nhiều lớp báo dưới chiếu trước khi trải đệm lên, hi vọng báo sẽ hút ẩm”, chị Kiều nói.

Còn tại nhà bà Hiền ở phố Đại An mấy ngày này quần áo trẻ con treo ngang dọc kín cả sân thượng. Nhà có hai đứa cháu, con của hai đứa con trai đều đang ẵm ngửa, dù đã đóng bỉm cho trẻ rồi nhưng quần áo, tã khăn thay ra phơi dồn hết ngày này đến ngày khác không khô. “Cứ rảnh cháu ngủ lúc nào lại phải lên lấy đồ xuống hơ vào máy sưởi. Nhưng cũng chẳng ăn thua bởi ướt nhèm nhẹp. Nhiều khi khăn hôi rình mà vẫn phải lấy xuống, hơ qua rồi dùng cho cháu. Chỉ sợ ẩm mốc, cả hai đứa mà ốm ra đấy thì không biết phải làm sao”, bà Hiền lo lắng nói.

Ẩm ướt không chỉ khiến quần áo chất đống, bốc mùi hôi mà còn dễ khiến mọi người sơ sảy trượt chân. Sáng 17/3, chị Hải Minh ở chung cư 170 Đê La Thành từ nhà bước ra hành lang thấy thang máy đang đóng lại vội chạy theo để giữ thang. Không ngờ đôi giày cao gót “phản chủ”, kết hợp với sàn nhà trơn trượt khiến chị bị trượt chân ngã. May mắn cú ngã không gây ảnh hưởng nhiều nhưng chị cũng bị giãn dây chằng ở chân sưng vù và phải đắp lá.

“Trong nhà cũng ẩm nhưng lát sàn gỗ nên chỉ thấy hơi dính dính nên mình chủ quan. Khi ngã xong nhìn lại sàn hành lang nhìn nhơm nhớp như lớp mỡ. Không biết khi nào mới chấm dứt kiểu thời tiết này”, chị Minh than thở.

Trẻ em đổ bệnh vì trời nồm

PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, mấy ngày nồm ẩm này, số lượng bệnh nhi đến khám tại viện đã gia tăng thêm khoảng 500 bệnh nhi mỗi ngày so với trước đó. Đặc biệt là trẻ nhập viện vì các bệnh hô hấp tăng (chiếm 20%). Ngoài viêm phổi, viêm mũi họng thì rất nhiều trẻ bị viêm tiểu phế quản - một bệnh do vi rút gây ra khiến trẻ ho dữ dội từng cơn rất khó chịu.
 
Khốn khổ vì trời nồm
Tới 20% bệnh nhi đến khám mắc các bệnh hô hấp. Ảnh: H.Hải

“Con mình bị viêm phổi đang phải nằm tại khoa hô hấp và phải nằm ghép giường. Nhưng quả thực, nằm ghép cũng không ngao ngán bằng kiểu thời tiết này. 6 - 7 bệnh nhi một phòng chưa kể người chăm nom, quần áo các bé mặc phải thay ra mỗi ngày, phơi kín cả ban công mà càng phơi càng ướt. Mới nằm viện 3 ngày mà mình phải hai lần mua quần áo cho con ở cổng viện rồi. Mua xong, không giặt giũ gì cả, mặc luôn”, chị Minh Thương đang chăm con tại viện Nhi TƯ chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết nồm ẩm như hiện nay là môi trường lý tưởng cho vi-rút sinh sôi, phát triển và là nguyên nhân gây bệnh cho trẻ, khiến số trẻ nhập viện khám và điều trị tăng lên. Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, rồi thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà.

Để ứng phó với thời tiết không hề đơn giản bởi độ ẩm không khí quá cao. Theo khuyến cáo của giới chuyên môn, nếu độ ẩm không khí tăng cao, hãy đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Không lau nhà bằng khăn ướt mà dùng các khăn cot-ton thấm hút nước tốt lâu khô sàn nhà. Tuyệt đối không được mặc quần áo ẩm cho trẻ mà phải sấy, là khô nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.

Hồng Hải