TPHCM:

Khởi động mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn”

(Dân trí) - Với mô hình khép kín được quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng từ khâu sản xuất đến buôn bán và tiêu dùng, TPHCM hướng đến mục tiêu xóa sổ nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc đang tồn tại trên thị trường như hiện nay.

Trao đổi với PV Dân trí ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố ngao ngán: “Tôi mới đi kiểm tra tại huyện Bình Chánh về, gia cầm lậu buôn bán tràn lan không tài nào kiểm soát được. Các ban ngành liên quan đã cố gắng tìm cách ngăn chặn nhưng chẳng khác nào “bắt nhái bỏ dĩa” bởi cấm được chỗ này thì họ lại bán chỗ khác”. Đó chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh tối màu về chất lượng thực phẩm đang hiện hữu trên địa bàn thành phố.

Đến 2015 chuỗi thực phẩm an toàn sẽ cung ứng 50% nhu cầu của người dân
Đến 2015 chuỗi thực phẩm an toàn sẽ cung ứng 50% nhu cầu của người dân
Mỗi ngày thành phố cần cung cấp tới hơn 1.000 tấn các sản phẩm từ động vật, khoảng 3,5 triệu quả trứng gia cầm nhưng các sản phẩm nông nghiệp của thành phố chỉ cung ứng được khoảng 20% nhu cầu. Thống kê của Chi cục Thú y cho thấy gần như ngày nào những chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ vào thành phố cũng phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển sản phẩm gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vào nội thành để tiêu thụ. Đây là hệ quả tất yếu của việc không xây dựng được một hệ thống sản xuất và tiêu dùng thực phẩm mang tính khoa học, hiện đại.

Để giải bài toán trên, thành phố vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” trên địa bàn, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015. Sản phẩm trong chuỗi thực phẩm lưu thông trên thị trường sẽ được quản lý chặt chẽ, chứng minh được nguồn gốc trong suốt quá trình từ nuôi trồng, đánh bắt đến khi đưa vào sử dụng”.

Theo đó, các sản phẩm thuộc chuỗi rau (bao gồm rau muống hạt, khổ qua, dưa leo, cà chua, cải bắp, cà rốt); chuỗi thịt gia súc gia cầm (trứng gà, thịt gà, thịt heo); chuỗi thủy sản (tôm nuôi, cá tra, cá diêu hồng, cá nục) đến cuối năm 2013 đạt tổng sản lượng nông sản, thực phẩm cùng loại được tiêu thụ trên địa bàn thành phố trên 15% và đến cuối năm 2015 đạt trên 50%.

Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” được triển khai tại các cơ sở nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre…

Theo nhận định của ông Huỳnh Lê Thái Hòa: “Mô hình trồng trọt chăn nuôi nhỏ lẻ mang tính hộ gia đình còn phổ biến, chúng ta chưa phát triển và mở rộng được mô hình trang trại rộng lớn có khả năng cung cấp nguồn hàng hóa ổn định nên để thực hiện đề án chuỗi thực phẩm an toàn không phải việc một sớm một chiều có thể làm được. Chúng tôi sẽ vừa xây dựng vừa từng bước hoàn thiện với mục tiêu cung cấp cho người dân nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng”.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm