Khóc ròng vì phải đình chỉ thai nghén do Rubella

(Dân trí) - Ba tháng trở lại đây, tại viện Phụ sản TƯ, trong buổi hội chẩn hàng tuần đều có trên 100 thai phụ nhiễm Rubella. Trong số này, có tới hơn một nửa thai phụ đã bật khóc đau đớn vì phải bỏ thai do nguy cơ thai dị tật quá cao.

 
Hơn 100 ca thai phụ nhiễm Rubella mỗi tuần

Năm nay, dịch sốt phát ban ở người lớn bùng phát mạnh. Tại bệnh viện Các bệnh Nhiệt đới TƯ, từ đầu năm tới nay đã có gần 6.000 trường hợp tới khám được khẳng định mắc Rubella, trong đó, có trên 90% là phụ nữ mang thai và đều được tư vấn sang bệnh viện phụ sản TƯ khám.

TS Trần Danh Cường, Trưởng khoa sản bệnh lý, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết, tình trạng thai phụ buộc phải chỉ định bỏ thai diễn ra liên tục trong thời gian qua do số thai phụ mắc Rubella tăng (do dịch Rubella ở người lớn tăng). Ba tháng trở lại đây, trong buổi hội chẩn hàng tuần đều có trên 100 thai phụ được chẩn đoán nhiễm Rubella. Trong số này, có tới hơn nửa trường hợp thường phải đình chỉ thai nghén ngay do nhiễm bệnh trong vòng 12 tuần đầu mang thai, nguy cơ dị tật rất cao. Các trường hợp còn lại tiếp tục được bác sĩ theo dõi suốt thai kỳ, kết quả chẩn đoán sau đó không khả quan cũng sẽ được khuyến cáo nên bỏ thai.

Khóc ròng vì phải đình chỉ thai nghén do Rubella - 1
Bị sốt Rubella ở 3 tháng giữa thai kỳ, thai phụ này đang lo lắng không biết sau các xét nghiệm, các bác sĩ sẽ kết luận thế nào

Nguyễn Thị M. (26 tuổi, con dâu bà Tâm) cho biết, ở tuần thai thứ 17, chị không sốt nhưng thấy toàn thân nổi ban lấm tấm như dị ứng thời tiết. Chị cũng đã tới khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai) khám nhưng bác sĩ nói không phải dị ứng. Sau khi khám, xét nghiệm tại bệnh viện Các bệnh nhiệt đới TƯ cho kết quả dương tính với Rubella. Lo lắng, chị đã chạy đi khám không dưới 10 phòng mạch tư của các bác sĩ sản nổi tiếng nhưng đều có chung kết luận: Nên bỏ thai. Điểm cuối cùng chị hy vọng bác sĩ không kết luận bỏ thai là bệnh viện Phụ sản TƯ, lúc này thai đã 20 tuần tuổi.
 
Sau 3 ngày liên tiếp dặt dẹo ở bệnh viện để làm đủ các xét nghiệm, thủ tục, 2 vợ chồng chị M căng thẳng ngồi nghe hội chẩn của các bác sĩ uy tín của bệnh viện. Và khi các bác sĩ thống nhất khuyên chị nên bỏ thai, lúc này chị mới khóc nấc lên vì đau đớn phải bỏ sinh linh bé bỏng sau hơn 2 năm mong đợi, vì niềm hi vọng mong manh rằng thai đã lớn, nguy cơ sẽ ít đi cuối cùng cũng sụp đổ.

“Hai vợ chồng ôm nhau khóc ròng ngay trước cửa phòng hội chẩn trước sinh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thai phụ khác cũng ôm mặt đau đớn khóc. Nhưng dù sao, mình còn hiểu được, còn có tinh thần vượt qua, chứ mẹ chồng mình, năm nay bà đã 60 tuổi, đang mong ngóng cháu trai đầu lòng thì vô cùng suy sụp. Có kết luận bệnh viện rồi, nhưng bà vẫn liên tục hỏi mình “chỉ có vài nốt phát ban trên da, không đau đớn, không sốt đùng đùng, có nhất thiết phải bỏ đi đứa con đã đủ hình hài trong bụng không” làm mình càng đau lòng, chỉ muốn òa khóc”, M. tâm sự.

“Thời gian chờ đợi hội chẩn đã thấy thấp thỏm, dài đằng đẵng. Những người được hội chẩn và tiếp tục được theo dõi thêm như mình thì càng thêm phấp phỏm lo âu. Lúc nào cũng hồi hộp, lo lắng không biết đứa con trong bụng mình như thế nào. Mỗi lần đi khám lại, trong lúc siêu âm đều căng thẳng quan sát thái độ của bác sĩ để đoán tình trạng em bé của mình. Đến khi bác sĩ kết luận mới thở phào nhẹ nhõm, nhưng vừa ra khỏi phòng lại lo lắng, có chắc con mình sẽ không sao. Và tới tuần 21, khi bác sĩ thông báo hình ảnh siêu âm cho thấy thai nhi bị dị tật thông liên thất bẩm sinh, mình đã quỵ xuống”, chị M.T.H, thai phụ ở Thái Bình, tâm sự.

Hoàn toàn có thể phòng ngừa

BS Cường cho biết, Rubella là loại bệnh đặc biệt nguy hiểm với thai phụ, nhất là ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu bị rubella ở 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ thường được bác sĩ khuyên nên bỏ thai vì vi-rút có khả năng lây truyền rất cao qua nhau thai, gây dị tật nặng nề cho em bé.
 
Nhiễm bệnh ở 3 tháng đầu thì có tới 80% thai nhi bị các dị tật bẩm sinh nặng nề như hở hẹp van tim, tăng nhãn áp bẩm sinh, điếc... Còn nhiễm bệnh sau 18 tuần thai, khi các quan đã hình thành, nguy cơ truyền bệnh thấp đi nhưng vẫn cần được theo dõi chặt chẽ.

“Tuy nhiên, việc chẩn đoán chính xác các nguy cơ biến chứng rất khó khăn. Vì siêu âm chỉ phát hiện được dị tật tim, đục thủy tinh thể… nhưng đều rất muộn. Còn các biến chứng như tăng nhãn áp bẩm sinh, tổn thương tai thì lại không thể chẩn đoán được bằng siêu âm, cũng không có phương tiện gì để chẩn đoán. Vì thế, việc chẩn đoán, quyết định đình chỉ thai hay không liên quan chặt chẽ tới tuổi thai khi người mẹ nhiễm bệnh. Sau đó, thai phụ sẽ được làm một loạt các xét nghiệm, siêu âm, và tư vấn rất kỹ trước khi quyết định có đình chỉ thai hay không”, TS Cường cho biết.

Hầu hết thai phụ khi có phát ban trên da đều tới bệnh viện khám và được theo dõi chặt chẽ. Nhưng cũng có một số ít chủ quan, thấy chỉ nổi ban mà không sốt, rồi ban lặn nhanh chóng nên nghĩ chỉ là dị ứng thông thường, không đi khám để được theo dõi, sàng lọc. Vì thế, trên 10 trường hợp em bé sinh tại bệnh viện Phụ sản TƯ  bị những dị tật rất thương tâm và các bé sẽ phải chịu những dị tật này cả đời.

Cách tốt nhất để giảm thiểu những nguy cơ trên là chủ động tiêm phòng. Thời điểm tiêm phòng trước khi thụ thai ít nhất là 1 tháng, tốt nhất trước 3 - 4 tháng. Tiêm phòng trước thời kỳ mang thai là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa dị tật bẩm sinh cho con. Còn nếu đã có thai thì tuyệt đối không được tiêm chủng, vì vắc-xin rubella là loại vắcxin sống chỉ giảm độc lực, thường sản xuất dưới dạng “tam liên” cùng với các vắc-xin phòng sởi và quai bị nên chống chỉ định với phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, khi đã mang thai nên hạn chế tiếp xúc nơi đông người để phòng nguy cơ lây nhiễm Rubella. Hãy luôn mang khẩu trang y tế khi ra ngoài. Vệ sinh răng miệng, đường hô hấp thường xuyên bằng các dung dịch súc họng. Bên cạnh đó, thai phụ luôn cần tự theo dõi để có thể phát hiện sớm các triệu chứng sốt nhiễm trùng phát ban để được tư vấn, tránh trường hợp bỏ sót để lại di chứng nặng nề, tàn tật suốt đời cho trẻ.

Hồng Hải