1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khó loại khỏi môi trường tự nhiên amip “ăn não”

(Dân trí) - Loại amip “ăn não” gây tử vong cho một bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam tồn tại nhiều trong môi tự nhiên và rất khó để loại bỏ nó ra khỏi môi trường. Tuy nhiên bệnh không có khả năng lây lan thành dịch.

Sợ đi bơi
 
Trước thông tin ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam tử vong do một loại ký sinh trùng nguy hiểm là “amip ăn não người”, trong khi loại ký sinh trùng này tồn tại khá nhiều trong nước, nhiều người dân thực sự hoang mang, lo ngại không dám đi bơi, ngại tiếp xúc với nước sống hồ vì lo dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Tâm (170 Đê La Thành) cho biết, hai con của chị một đứa lên 5, một đứa lên 7 đang học bơi tại bể bơi nước nóng ngay gần gò Đống Đa. “Vừa học được một buổi thì có thông tin ca bệnh tử vong, mình hoảng quá xin cho con nghỉ luôn dù tiền đã nộp đủ cho thầy. Nhiều phụ huynh cùng lớp con mình ở trường tiểu học Kim Liên cũng bày tỏ việc từ chối cho con đi bơi những ngày cuối tuần dù trẻ có năn nỉ “gãy lưỡi””, chị Tâm nói. Cùng tâm tâm trạng như chị Tâm, trên nhiều diễn đàn mọi người chia sẻ với nhau về “amip ăn não người” và bày tỏ sự lo lắng, sợ đến hồ bơi, sợ tiếp xúc nước sông hồ…
 
Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, amip “ăn não” người có tên khoa học là Naegleria fowleri. Đây là là sinh vật đơn bào sống tự do trong nước, ưa thích môi trường nước nóng, thường phổ biến ở trong tự nhiên như nước sông, hồ và suối nước nóng và trong đất. Nó sống được nhờ ăn các vi sinh vật như vi khuẩn trong các lắng cặn ở sông hồ có nước ấm/nóng. Loại ký sinh trùng này không được tìm thấy trong nước biển.
 
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển. Ảnh: H.Hải

Naegleria fowleri được tìm thấy trong các sông, hồ nước ấm. Nhiều khả năng là ký sinh trùng này có thể có mặt ở các cơ sở vui chơi giải trí sử dụng nước sông, hồ có nước ấm hay suối nước nóng nhưng rất hiếm khi phát hiện được trong các bể bơi hay ở vòi nước nóng. Ký sinh trùng này phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ 46 độ C và có thể sống sót trong một thời gian ngắn ở nhiệt độ cao hơn. Nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng này là nhảy xuống nước, lặn đầu xuống nước hay các hoạt động có liên quan đến nước có nguy cơ làm nước xộc mạnh vào mũi. Bệnh thường xảy ra vào các tháng mùa nóng, từ tháng 6 đến tháng 9. Nguy cơ mắc bệnh có thể xảy ra mặc dù rất thấp ở khu vực có điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại của sinh vật này.

Theo PGS Hiển, cách phòng bệnh chắc chắn nhất là hạn chế hay không có các hoạt động liên quan đến nước ấm/nóng trong tự nhiên như lặn trong nước hay hít nước vào mũi nước không được tiệt trùng đúng cách. Khó có thể loại trừ ký sinh trùng này ra khỏi môi trường nước tự nhiên. Về mặt lý thuyết, cần tiến hành các biện pháp dự phòng như sau: Bịt mũi hay dùng kẹp mũi khi bơi lội hay lặn xuống nước hay không lặn xuống các suối nước nóng hay sông hồ có nước ấm, hay nhiệt độ nước cao mà chưa được xử lý tiệt trùng đúng cách. Hạn chế đào bới hay khuấy lắng cặn ở các khu vực có nước nóng. Tiệt trùng theo đúng phương pháp nước ở bể bơi là có khả năng tiêu diệt ký sinh trùng này. Vì thế, người dân không nên quá hoang mang khi đến những hồ bơi đủ chuẩn.

Cùng quan điểm này, môt bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, ký sinh trùng “ăn não” người này khó tồn tại trong các bể bơi bởi trong các bể bơi thường có hàm lượng clo đạt chuẩn để khử các vi sinh vật, ký sinh trùng. Hơn nữa khi đi bơi với đa số mọi người là hoạt động giải trí, nên rất khó để thực hiện việc kẹp mũi nhưng người dân cũng không nên quá lo bởi tỷ lệ bệnh vô cùng hiếm gặp. “Cần khẳng định, không phải ai gặp nguồn nước bẩn có ký sinh trùng này đều có thể bị mà chỉ xảy ra nguy cơ khi trong quá trình ngụp, lặn bị sặc nước bẩn có chứa ký sinh trùng này và phải có yếu tố cảm nhiễm của cơ thể, chứ không phải ai cũng có nguy cơ”, BS này khẳng định.

Không lây từ người sang người

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, bệnh viêm não màng não tiên phát do ký sinh trùng Naegleria fowleri là một bệnh của hệ thần kinh trung ương. Đây là một bệnh rất nguy hiểm, hầu hết gây tử vong, 99%. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh này về mặt lâm sàng giống viêm màng não do vi khuẩn, do đó thường bị bỏ qua và được chẩn đoán rất muộn, thậm chí sau khi chết, đặc biệt khi bệnh diễn biến nhanh.

Tuy nhiên một điều rất may mắn là bệnh rất hiếm gặp. Nguy cơ nhiễm là rất thấp. Trong vòng 50 năm từ từ năm 1962 đến 2011 ở Mỹ chỉ báo cáo 123 người mắc bệnh này ở Mỹ.

Một điều may mắn nữa, là bệnh không có khả năng lây từ người sang người, cũng không có khả năng gây thành dịch. Khi uống phải nước bị nhiễm sinh vật đơn bào này cũng không bị mắc bệnh mà chỉ có nguy cơ khi bị sặc nước có chứa sinh vật này lên đường mũi, từ đó theo thần kinh khứu giác lên não và gây viêm não.

Bệnh nhân có thể khởi đầu với việc thay đổi mùi, vị. Các triệu chứng đầu tiên của hội chứng viêm não, màng não xuất hiện khoảng 5 ngày (từ 1-7 ngày) sau nhiễm trùng, bao gồm đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn. Các triệu chứng muộn có thể bao gồm cổ cứng, lú lẫn, mật tập trung, mất thăng bằng, chứng ảo giác và co giật. Sau đó bệnh tiến triển nhanh và thường dẫn đến tử vong trong vòng 5 ngày (từ 1-12 ngày). Do đó khi có các triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, có thể làm giảm nguy cơ tử vong.

Để phòng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng này, Bộ Y tế khuyến cáo cần hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hồng Hải