Khó có khả năng Ebola lây qua không khí!
(Dân trí) - Trong gần 6 tháng kể từ tháng 3 tới nay, dịch Ebola vẫn chưa bị đánh bại. Dịch hiện đã mở rộng tới Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria ở tây Phi, cũng như Cộng hòa Dân chủ Congo ở trung Phi.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2637/Dich-Ebola-de-doa-the-gioi.htm'><b> >> Dịch Ebola đe dọa thế giới</b></a>
Nhưng lời khẩn cầu này lại đang khiến những người ưa thích “giả thuyết âm mưu” nảy sinh đồn đoán rằng phải chăng Ebola lây lan quá nhanh như vậy vì thực ra không cần tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh thì mới lây bệnh, như các chuyên gia đang nhấn mạnh. Họ cho rằng trên thực tế vi rút này lan qua không khí.
Đây là một vấn đề vì những bệnh lây qua không khí như SARS lây lan dễ dàng hơn nhiều so với những bệnh như viêm gan C, chỉ có thể lây qua các dịch cơ thể như máu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, nước tiểu, phân hoặc tinh dịch của người bệnh.
Từ năm 1976, khi Ebola lần đầu tiên được thừa nhận, cho đến nay, vi rút đã gây bệnh cho khoảng 5.000 người và giết chết hơn 3.000 người. Nếu vi rút lây “một cách hiệu quả” qua không khí, số ca bệnh sẽ cao hơn nhiều so với con số này.
Tuy nhiên, những người “hoài nghi” vẫn cho rằng vi rút có thể đã đột biến để trở thành dạng lây qua không khí. Nếu không thì tại sao giờ đây nó lại lan ra với tốc độ như cháy rừng?
Thứ nhất, những nghiên cứu về gen chưa tìm ra bất kỳ đột biến nào như vậy: Bộ gen của chủng vi rút Zaire đang gây dịch hiện này vẫn chưa hề thay đổi.
Thứ hai, thậm chí ở những bệnh nhân ốm nặng, lượng vi rút trong phổi cũng không nhiều. Thay vào đó, vi rút chủ yếu được thấy trong máu. Do đó, triệu chứng của bệnh là ra nhiều mồ hôi, nôn và tiêu chảy nặng, chứ không phải là ho hay hắt hơi. Phổi không sung huyết nhiều, vì thế ho không phải là triệu chứng nổi bật - một yếu tố cần thiết để Ebola lây qua không khí.
Thứ ba, một số những người hoài nghi nhắc tới một nghiên cứu của Canada xuất bản năm 2012 báo cáo về thử nghiệm cho thấy lợn có thể lây Ebola sang khỉ qua không khí. Trong nghiên cứu này, những con khỉ bị nhốt trong chuồng gần chuồng lợn nhiễm Ebola.
2 nhóm động vật này không hề có tiếp xúc về mặt vật lý. Tuy nhiên không biết bằng cách nào đó mà những con khỉ lại bị nhiễm bệnh. Đây chẳng phải là cơ sở ủng hộ giả thuyết Ebola lây qua không khí hay sao?
Thực ra, dịch nhày từ mõm lợn có thể dính vào bề mặt chuồng. Vì thế khi cọ rửa chuồng, nước cùng với dịch nhày đã bị bắn tóe vào chuồng khỉ và khiến những con khỉ bị bệnh. Do đó, thử nghiệm này không nhất thiết là bằng chứng về sự lây truyền của vi rút qua không khí.
Tuy nhiên, vẫn có khả năng vi rút xâm nhập vào chuồng khỉ qua những giọt dịch tiết nhỏ bắn ra từ mõm lợn và lơ lửng trong không khí. Một lý do để nghĩ đến giải thuyết này là Ebola là bệnh hô hấp không điển hình ở lợn, nhưng không phải ở người.
Ngoài ra, cho dù lợn có thể làm bệnh Ebolalan qua không khí, thì điều này cũng khó có thể xảy ra với người và các loài linh trưởng khác, vì miệng và mũi của linh trưởng và người không thể tạo ra một lượng lớn những giọt dịch tiết như mõm lợn.
Trong lịch sử, vi rút Nipah đã từng truyền từ dơi sang lợn trong một trang trại và sau đó sang người. Vật chủ tự nhiên của Ebola là dơi ăn quả, nhưng lợn không phải là vật chủ trung gian của vi rút, mặc dù loài vật này được sử dụng trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu về bệnh
Cuối cùng, những người hoài nghi cũng đưa ra một thực tế là rất nhiều nhân viên y tế đã bị lây bệnh.Ví dụ, tại Liberia, cho đến nay đã có 152 nhân viên y tế bị nhiễm, trong đó 79 người đã chết.
Theo những người thích thuyết “âm mưu”, những nhân viên y tế này đều biết về bệnh và luôn áp dụng những biện pháp cách ly bệnh nhân, sử dụng khẩu trang, ủng, kính bao hộ, găng tay và áo choàng để tự bảo vệ. Họ so sánh Ebola với viêm gan C, cũng lây qua dịch cơ thể nhưng không nhiễm vào các bác sĩ và y tá một cách quá dễ dàng như vậy. Nếu không phải do công tác phòng ngừa “có vấn đề”, thì liệu có thể nghĩ đến khả năng Ebola lây qua không khí?
Tuy nhiên trên thực tế, không phải tất cả các nhân viên y tế ở châu Phi đều được tiếp cận với những trang thiết bị như vậy. Nhất là ở những vùng dịch xa xôi và thiếu thốn trang thiết bị.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng ở những nơi có trang thiết bị, thì chúng có thể kém hiệu quả hơn dự đoán vì áo choàng bảo vệ rất nóng, không có điều hòa không khí, do đó khiến người mặc đổ nhiều mồ hôi. Mồ hôi có thể chảy vào mắt khi các bác sĩ hoặc y tá cố gắng thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân như băng vết thương hoặc cắm dịch truyền. Những điều kiện này có thể khiến cho nhân viên y tế phạm sai lầm.
Hoặc bệnh nhân có thể nôn, tiêu chảy hoặc tiểu tiện không tự chủ lên nhân viên y tế đang phục vụ. Vì thế việc nhiều nhân viên y tế “biết rõ về bệnh” lại bị nhiễm không có nghĩa là Ebola lây qua không khí.
Tóm lại, có rất ít lý do để nghĩ đến khả năng Ebola đang lây từ người sang người qua không khí trên thực địa tại thời điểm này. Người bệnh chỉ lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể của bệnh nhân Ebola là điều khá rõ ràng.
Cẩm Tú
Theo Asiaone