Khó chịu với mụn cơm

(Dân trí) - Em năm nay 17 tuổi, bị nhiều nốt mụn nhỏ dọc hai cánh tay, không ngứa. Khi ngủ dậy, những nốt mụn này không nổi rõ nhưng càng về chiều, mụn càng nổi dày đặc. Xin biết em bị bệnh gì, có cách nào làm biến mất những nốt mụn đáng ghét này không? Phan Hồng Thuý ( Hương Khê, Hà Tĩnh)

Theo mô tả thì có lẽ bạn mắc bệnh hạt cơm phẳng, là một bệnh rất hay gặp, do một loại virus gây nên. Khi loại virus này xâm nhập vào da chúng nhân lên, phát triển và làm thượng bì sản sinh tạo nên các sẩn nổi cao lên khỏi bề mặt da. Mụn cơm phản có thể mọc ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, nhưng các vùng da hay bị hạt cơm phẳng là mặt, trán, cổ, tay, chân…

 

Đặc biệt, mụn sẽ lây lan nhanh, xuất hiện thêm nhiều nốt mụn mới nếu bạn cạy nốt mụn. Có những trường hợp, chỉ từ vài nốt mụn, do cạy, nhể mụn dẫn đến lây rộng, có thể lan khắp người.

 

Trong nhiều trường hợp, mụn cơm có thể chữa được bằng những phương pháp dân gian rất đơn giản. Buổi tối, bạn có thể lấy lá tía tô tươi, rửa sạch, giã rồi vắt lấy nước chấm vào các hạt cơm, để qua đêm. Kiên nhẫn làm như vậy liên tục hàng ngày mụn cơm có thể lặn mất sau 4-12 tuần.

 

Những trường hợp không đỡ thì phải bôi các loại thuốc Tây y mạnh hơn. Trong trường hợp của bạn, do bạn không nói rõ đã bôi những loại thuốc gì nên rất khó có thể trả lời vì sao.

 

Những trường hợp bôi thuốc không khỏi có thể điều trị bằng kỹ thuật tia leser. Tuy nhiên, phương pháp này đôi khi có thể để lại sẹo hoặc bệnh tái phát ở nhiều trường hợp. Khi đó, sẽ phải dùng tia laser để điều trị những nốt mụn mới.

 

Với phương pháp này cần lưu ý, khi đã được tia laser, phải bôi thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh làm tổn thương nốt mụn để hạn chế lây lan và không được dùng nghệ bôi vào những nốt mụn đã được đốt.

 

Để phòng ngừa mụn cơm tái phát, khi đi ra nắng nên đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng.

 

Bác sĩ Nguyễn Thành

(Trưởng khoa Khám bệnh Viện DL TƯ)