Khi nào nốt ruồi hóa ung thư?
(Dân trí) - Những bệnh nhân đến khám vì thấy bất thường vùng nốt ruồi, bác sĩ chẩn đoán ung thư rất ngỡ ngàng, bởi đa phần cho rằng nốt ruồi lành tính, không gây hại.
BS Hoàng Thị Phương Lan, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, có những trường hợp bệnh nhân đến viện để thực hiện laser triệt nốt ruồi thì được phát hiện ung thư.
Trước đó, khoa từng tiếp nhận 2 bệnh nhân, là bệnh nhân L.Q.V. (Long Biên, Hà Nội) và bệnh nhân Đ.V.B. ( Yên Viên - Gia Lâm, Hà Nội). Cả hai bệnh nhân đều đến viện làm thủ thuật đốt laser nốt ruồi trên khuôn mặt.
Bệnh nhân B. phát hiện nhiều khối như nốt ruồi to ở vùng mặt cách đây nhiều năm, không điều trị gì. Gần đây phát hiện các khối to dần, chảy dịch màu tối có kích thước 3x4cm và 3cm nên muốn thực hiện đốt laser thẩm mỹ. Khi khám nhận thấy bất thường, như khối bờ ranh giới không đều, màu sắc hỗn hợp, bề mặt sần sùi có điểm chảy máu, mưng mủ, tổ chức mủn nát... các bác sĩ nghi ngờ ung thư, không thực hiện laser theo nhu cầu của người bệnh mà chọc hút tế bào để làm xét nghiệm.
Kết quả mô bệnh học của bệnh nhân B. cho thấy một phía phủ biểu mô vảy sừng hóa, dưới trung bì có mẫu. U xuất phát từ lớp tế bào đáy gồm các tế bào nhỏ, nhân bầu, thoi dài, sẫm màu, không đều, chất nhiễm sắc thô, hạt nhân rõ, rải rác có nhân chia.
Còn bệnh nhân V. "nốt ruồi" được hình thành từ vùng cánh mũi trái đã lâu, không đau không khó chịu. Bệnh nhân thấy vướng nên có cậy ra vài lần thì thấy khối to dần, có chảy máu. Muốn đến viện đốt laze nốt ruồi nhằm thẩm mỹ cho khuôn mặt.
Kết quả tế bào học của bệnh nhân V. cho thấy trên phiến đồ thấy rải rác những đám tế bào đa hình có nhân lớn bào tương hẹp, méo mó không đều, chất nhiễm sắc thô, có một hạt nhân lớn, đừng chồng chất nhau, mất cực tính.
Theo BS Lan, ung thư từ nốt ruồi thường phát triển nhanh, di căn nhanh, gây ung thư thứ phát ở gan, xương, phổi, não, hệ thống hạch... Nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị kịp thời ngay từ lúc nốt ruồi bắt đầu chuyển sang ác tính thì tỷ lệ khỏi bệnh khá cao.
Tuy nhiên mọi người cũng không cần quá lo ngại về nốt ruồi, bởi chúng có khả năng tiến triển thành ung thư nhưng mức độ không cao.
Bản chất của nốt ruồi là tổn thương tế bào sắc tố da, những tế bào này có nguy cơ nhất định về ung thư hóa nhưng mức độ không quá cao. Trong đó, nốt ruồi bẩm sinh khổng lồ có nguy cơ tiến triển ung thư cao nhất, tỷ lệ 13%. Bên cạnh đó, ở một số vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, vùng bán niêm mạc, trên đầu… nốt ruồi cũng được xem là nguy hiểm vì có thể tiến triển thành ung thư. dựa vào những dấu hiệu dưới đây để nhận biết nốt ruồi có những bất thường, cần đi khám sớm:
Tính đối xứng: Khi nốt ruồi hoặc tàn nhang có hình dạng không đối xứng bất bình thường thì nên kiểm tra lại bằng cách vẽ một đường tưởng tượng chia dọc nốt đó ra và đối chiếu xem nửa còn lại có tương đồng. Nếu không đối xứng thì đó rất có thể là ung thư.
Đường viền: Nếu như đường viền ngoài của nốt ruồi bị mờ, không thấy rõ nét đường biên giữa da và nốt ruồi, trông khác thường với các nốt ruồi khác thì đó cũng có thể là ung thư. Các thương tổn của khối u ác tính thường là nguyên nhân làm mờ các đường biên của nốt ruồi lạ trên da.
Màu sắc: Nốt ruồi không có màu giống với những nốt ruồi khác trên da, dù là bất kể màu sắc gì: nâu, đen, xanh đậm, trắng hay đỏ đều đáng nghi ngờ. Nốt ruồi bình thường sẽ có một màu sắc nhất định, tương tự và đồng đều nhau trên da. Nhưng nếu trên da có nhiều nốt ruồi khác màu, khác hình dạng, khác màu: chỗ màu đậm, chỗ màu nhạt thì nguy cơ ung thư rất cao.
Đường kính: Một điểm đáng ngờ khi quan sát các nốt lạ trên da là đường kính của chúng lớn hơn hẳn các nốt ruồi thông thường. Nốt ruồi thường chỉ nhỏ hơn hoặc bằng khoảng 6mm.
Độ lồi: Nếu nốt lạ nổi lồi trên da rõ nét thì việc kiểm tra là cần thiết. Bởi các khối u ác tính thường phát triển nhanh chóng về kích cỡ hoặc độ lớn. Một nốt ruồi cứ lớn dần, đổi màu, gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc chảy máu thực sự là dấu hiệu đáng báo động.