Khi nào dùng thuốc nhuận tràng?

(Dân trí) - Khi bị táo bón, nhiều người nghĩ ngay tới thuốc nhuận tràng nhưng nếu dùng thuốc không đúng chỉ định có thể gây hậu quả nặng nề như trường hợp <a href=" http://www11.dantri.com.vn/suckhoe/2007/3/171166.vip"> một bệnh nhân mới đây</a>.

Chớ dùng tùy tiện

 

TS BS Nguyễn Văn Bàng, khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuật ngữ thuốc nhuận tràng được dùng để chỉ những chất làm tăng khả năng bài tiết phân.

 

Nhiều người bị táo bón coi thuốc nhuận tràng là phương pháp hữu hiệu, nhanh chóng giải quyết được tình trạng khó tiêu hóa bởi sau khi dùng, họ thấy ngay được hiệu quả. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng tức thời, ngắn hạn, người bị táo bón chỉ nên dùng trong 2 - 3 ngày. Nếu lạm dụng loại thuốc này, dùng quá lâu có thể gây ảnh hưởng không tốt lên màng nhày ruột. Hơn nữa, người bị táo bón sẽ có tâm lý phụ thuốc vào thuốc, không chịu tập luyện thói quen vệ sinh cũng như điều chỉnh chế độ ăn mà chỉ lạm dụng thuốc khiến tình trạng táo bón ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

 

TS Bàng khẳng định, thuốc nhuận tràng chỉ có tác dụng điều hòa nhanh tình trạng chuyển vận phân trong ruột. Nó được dùng trong một vài trường hợp để giúp chống lại tình trạng táo bón nhẹ. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc điều trị táo bón mà chỉ là một trong những phương tiện chống táo bón bằng thuốc và nó phải được dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc dùng tùy tiện, không có chỉ định không thể giải quyết được dứt điểm tình trạng táo bón do ăn uống phản khoa học, căng thẳng thần kinh hoặc thiếu vấn động mà còn có thể dẫn tới hiện tượng tiêu chảy, đau bụng.

 

Điều trị táo bón như thế nào?

 

Hoàn toàn có thể giảm tình trạng táo bón bằng luyện tập, điều chỉnh điều chỉnh chế độ ăn… mà không cần thiết phải dùng đến các loại thuốc nhunạ tràng, thuốc xổ.

 

Chế độ ăn giàu chất xơ thực vật rất có hiệu quả trong điều trị chứng táo bón, do các chất này có tác dụng giữ nước, làm mềm và xốp phân, giúp phân dễ dàng bài tiết ra ngoài.

 

Chất này có nhiều trong gạo, ngũ cốc toàn phần, rau các loại và trái cây khô. Cần lưu ý, khi ăn nên nhai kỹ để nghiền nhỏ thực phẩm và giúp các men tiêu hóa trong dạ dày và ruột được tiết ra đầy đủ.

 

Ngoài ra, người bị chứng táo bón nên uống nhiều nước, từ 1,5 – 2l/ngày và hạn chế dùng các chất kích thích ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêu hóa như trà, cà phê, thuốc lá, nước có ga…

 

Ngòai ra, bạn hãy tập cho mình thói quen đi tiểu mỗi ngày vào một thời điểm nhất định cũng giúp phòng táo bón. Nếu cứ cố nhịn khi có nhu cầu, lâu ngày bạn sẽ bị táo bón mạn tính. Tốt nhất, mỗi sáng ngủ dậy, bạn hãy uống uống một cốc nước đầy, ngồi thở thật sâu, dùng lòng bàn tay mát - xa vùng bụng liên tục theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại chừng 15 phút. Mát – xa bụng sẽ có tác dụng kích thích các nhu động ruột, giúp việc đẩy phân ra ngoài trở nên dễ dàng hơn. Sau khi mát - xa bụng, dù không buồn đi ngòai, nhưng bạn hãy vào nhà vệ sinh để tạo thói quen đi ngoài đều đặn.

 

Ngoài ra, để phòng chống táo bón, bạn cần thay đổi nếp sống với nhịp sống quân bình hơn, ăn uống đúng giờ giấc, tránh stress và tham gia luyện tập thể dục thể thao đều đặn.

 

 

Còn với những trường hợp đã áp dụng phương pháp trên vẫn bị nặng sẽ phải dùng thuốc nhuận tràng nhưng cần được các thầy thuốc có kinh nghiệm chỉ định và theo dõi để tránh những tác dụng không mong muốn, nhất là khi bị lạm dụng thuốc, điều trị lâu ngày trong các trường hợp táo bón mạn tính và điều trị cho trẻ em.

 

Bạn cũng cần ghi nhớ, bác sĩ cho bạn dùng thuốc nhuận tràng với mục đích hỗ trợ để tăng cường tác dụng của các biện pháp trên. Vì thế, bạn không nên phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc mà phải vừa dùng thuốc vừa tiếp tục luyện tập, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt thì việc điều trị táo bón mới có hiệu quả lâu dài.

 

Hồng Hải