Khi nào đau bụng là dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy

Hà An

(Dân trí) - Ung thư tụy thường diễn tiến âm thầm nhiều khi không có biểu hiện. Đau bụng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh.

Ung thư tuyến tụy xảy ra khi tế bào ung thư phát triển trong chủ mô của tuyến tụy. Tụy là một tuyến nằm phía sau dạ dày và phía trước cột sống. Tụy sản xuất ra dịch tiêu hóa và các hormon điều hòa lượng đường huyết trong máu. Tế bào của tụy ngoại tiết sản xuất ra dịch tiêu hóa thức ăn, còn tế bào của tụy nội tiết sản xuất insulin và một số hormones khác.

Đa số các trường hợp ung thư tụy đều khởi phát từ những tế bào của tụy ngoại tiết. 

Khi nào đau bụng là dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy - 1

Theo BS Lê Công Định, Khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, triệu chứng của ung thư tuyến tụy giai đoạn sớm thường nghèo nàn. Khi bệnh lan tràn, triệu chứng lâm sàng khá đa dạng, thay đổi tùy theo vị trí khối u và mức độ lan rộng của nó. 

Đau bụng là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của ung thư tuyến tụy. Theo BS Định, biểu hiện đau bụng thường bắt đầu xuất hiện trước khi phát hiện bệnh khoảng 1-2 tháng và tăng dần theo tiến triển của bệnh nhưng ban đầu thường chỉ đau thoáng qua vùng thượng vị nên dễ nhầm với viêm dạ dày. 

Đau thường khởi phát ở vùng thượng vị. Khi bệnh tiến triển thường lan sang 2 bên và/hoặc xuyên ra sau lưng. Cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa khiến người bệnh phải nằm tư thế cuộn tròn cho đỡ đau. Đau nhiều ra sau lưng thường gặp khi khối u nằm ở vùng thân hoặc đuôi tụy hơn là vùng đầu tụy. 

Thông thường đau bụng trong ung thư tụy xuất hiện từ từ, tăng dần theo kiểu "vết dầu loang" theo tiến triển của bệnh. Song cũng có trường hợp người bệnh đột ngột đau một cách dữ dội do u làm tắc ống tụy gây viêm tụy cấp.

Ngoài ra, người bệnh có thể có biểu hiện của hội chứng tắc mật: vàng da, nước tiểu sẫm màu. Vàng da do ung thư tụy là vàng da liên tục, tăng dần do u gây tắc ống mật chính làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng, hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da và nước tiểu sẫm màu. Vàng da thường gặp và xuất hiện sớm với những khối u vùng đầu tụy.

Bệnh nhân cũng có thể có các biểu hiện khác như đi ngoài sống phân, suy nhược, sụt cân, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đái tháo đường. Đái tháo đường có thể xuất hiện đồng thời nhưng có khoảng 25% bệnh nhân ung thư tụy có khởi phát bệnh tiểu đường trước khi phát hiện ung thư tụy trong thời gian dưới 2 năm. 

Có nhiều cách thức để điều trị ung thư tuyến tụy bao gồm: phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến tụy; hóa trị liệu và xạ trị.

Hóa trị liệu dùng thuốc hóa chất để diệt tế bào trong khối u. Xạ trị dùng tia X-quang hoặc các tia phóng xạ khác để tiêu diệt tế bào ác tính. Phẫu thuật được dùng để cắt bỏ khối u hoặc điều trị các triệu chứng của ung thư tụy.

Bệnh nhân ung tụy dù đã được tích cực điều trị bằng các phương pháp hiện đại nhưng tiên lượng vẫn còn rất kém. Theo báo cáo của Hiệp Hội Ung Thư Mỹ, tỷ lệ bệnh nhân ung thư tụy ngoại tiết sống sót sau chẩn đoán 1 năm chỉ khoảng 23% và sau chẩn đoán 5 năm, chỉ còn 4% bệnh nhân sống sót.

Vì thế, chiến lược quan trọng là phòng bệnh và sàng lọc phát hiện sớm.