Khi nào cơn ho là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi?

Hà An

(Dân trí) - Ho có thể là triệu chứng của những bệnh cảnh thông thường song khi ho kéo dài trên 2 tuần, không đáp ứng điều trị, đặc biệt ho ra máu thì cần cảnh giác với bệnh ung thư phổi.

Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể, trong một số trường hợp là triệu chứng của nhiều bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi, ho gà, lao… Đặc biệt, ho cũng là một biểu hiện thường gặp ở các bệnh nhân ung thư phổi. 

Theo TS Đỗ Hùng Kiên, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), ho là triệu chứng hay gặp nhất ở bệnh nhân ung thư phổi, có thể ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Họ biểu hiện lúc chẩn đoán ở hơn 50 % trường hợp, ở hầu hết bệnh nhân không được điều trị khỏi bằng điều trị thông thường.

Khi nào cơn ho là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi? - 1

Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài (trên 2 tuần), không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.

Ho trong ung thư phổi có thể liên quan đến nhiều yếu tố bao gồm: u trung tâm , viêm phổi tắc nghẽn, đa di căn nhu mô và tràn dịch màng phổi.

Ho ra máu trong ung thư phổi có nhiều mức độ khác nhau nhưng thường bao gồm đờm, có vệt máu. Mô tả thông thường nhất của bệnh nhân là ho ra đờm nhuốm ít máu trong vài ngày liên tiếp. Mức độ nghi ngờ tăng lên khi thấy các triệu chứng dai dẳng hoặc tái diễn, đặc biệt ở các bệnh nhân có tiền sử hút thuốc. Chảy máu số lượng lớn trong ung thư phổi có thể gây tử vong nhanh ở một số trường hợp. 

Ho ra máu là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm và xử trí ngay. 

Ung thư phổi là một trong những ung thư gặp nhiều thách thức để chẩn đoán sớm. Đến nay chưa có phương pháp sàng lọc nào mang lại độ nhạy cao. Chụp X-quang đơn thuần không phát hiện được u nhỏ.

Tại Việt Nam, có tới 80-90% số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4. Lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hóa chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.

Tùy theo giai đoạn bệnh, thể trạng của bệnh nhân…, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị bổ trợ. Trong đó phẫu thuật loại bỏ khối u có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân cần có thể trạng tốt để phẫu thuật. Có khoảng 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.

Phòng bệnh

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.