Khi nào cần chụp cộng hưởng từ tuyến vú?

Tú Anh

(Dân trí) - Chụp cộng hưởng từ tuyến vú cho phép tầm soát sớm ung thư vú ở những người có nguy cơ cao. Khi nào thì cần đến phương pháp chẩn đoán này?

Ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam, có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi (ASR) vào năm 2013 là 24,4/100.000 dân (ước tính của GLOBOCAN năm 2018 là 26,4/100.000 dân).

Trên thực tế, phụ nữ Việt cũng có xu hướng mắc ung thư vú sớm hơn so với phụ nữ các nước, vì thế, chị em phụ nữ cần được tầm soát ung thư vú từ tuổi 40. Và chị em cũng nên chủ động tự khám vú mỗi tháng để kịp thời phát hiện nguy cơ sớm nhất.

Khi nào cần chụp cộng hưởng từ tuyến vú? - 1

Hình ảnh chụp MRI tuyến vú nữ bệnh nhân 54 tuổi có tiền sử mẹ bị ung thư vú, trên X-quang thông thường không thấy tổn thương do chồng tuyến, chụp tomosynthesis nghi ngờ có khối nhỏ trên ngoài. Chụp MRI có tiêm thuốc thấy hình ảnh khối tổn thương ngấm thuốc mạnh, bờ tua gai BIRADS 4b.

BS Trần Thị Phương Thảo, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện nay, có rất nhiều phương pháp để tầm soát ung thư vú, như siêu âm tuyến vú, chụp X-quang tuyến vú và chụp cộng hưởng từ tuyến vú. Đây là 3 phương pháp  quan trọng và phổ biến để chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú và tầm soát phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm.

Trong đó, chụp cộng hưởng từ tuyến vú (MRI tuyến vú) thường được chỉ định sau khi siêu âm, chụp X-quang phát hiện những bất thường ở tuyến vú.

Với chụp MRI sẽ cho những hình ảnh rõ nét nhất và chuẩn xác nhất về hình thái và tính chất các tổn  thương. Vì thế, phương pháp này thường không chỉ định đại trà, mà chỉ định ở những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao và đánh giá mức độ phát triển cũng như tái phát ung thư vú

Phương pháp này cho độ chính xác cao, tăng độ nhạy cho các tổn thương sớm còn rất nhỏ.