Anh:

Khi bệnh nhân được nhận “phong bì”…

(Dân trí) - Việc trả tiền cho bệnh nhân tái khám đúng hẹn đang gây ra những tranh cãi trong hệ thống y tế Anh bởi bên cạnh việc giúp tăng số người tái khám, nó bị coi một cú giáng mạnh vào giá trị cốt lõi của đạo đức y học.

Anh: Khi bệnh nhân được nhận “phong bì”…

 

Tuần trước, tờ British Medical Journal đã đăng tải một bài báo cho thấy khi bệnh nhân bị tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực được “treo thưởng” 15 bảng Anh (khoảng 450 nghìn đồng) để trở lại tái khám và tiêm thuốc chống loạn thần, thì sẽ có nhiều bệnh nhân giữ đúng hẹn hơn. Thuốc được dùng cho tất cả các bệnh nhân trong 4 tuần, và bệnh nhân được nhận tiền mặt ngay sau đó.

 

Khoảng 71% bệnh nhân trong nhóm “bình thường” đến tiêm, so với 85% trong nhóm “được tiền”. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chi phí cho “phần thưởng” này sẽ được bù lại nhờ giảm được số ca bệnh tâm thần phải cấp cứu do không dùng thuốc.

 

Quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân phải là sự tin tưởng.

 

Sự can thiệp của tiền bạc đặt ra những mâu thuẫn về lợi ích và phá hủy điều kiện tiên quyết là sự thành thật giữa hai bên.

Tuy vậy, điều này đang rung lên tiếng chuông báo động. Trả tiền để bệnh nhân tuân thủ điều trị là một cú giáng mạnh vào giá trị cốt lõi của đạo đức y học, như Hội đồng Y học Đa khoa Anh chỉ rõ: các bác sỹ phải “duy trì mối liên hệ hiệu quả với bệnh nhân” và “tôn trọng quyền tự do ý chí của bệnh nhân”. Mọi người đều có quyền tự quyết định.

 

Khi các thầy thuốc cố lái sự lựa chọn của bệnh nhân bằng những phần thưởng vật chất - 15 bảng Anh nghe có vẻ không nhiều, nhưng với những người sống dựa vào trợ cấp thì cũng là một khoản đáng kể  - thì chúng ta đáng hạ thấp quyền tự do ý chí của bệnh nhân và làm vấy bẩn mối quan hệ giữa bệnh nhân với thầy thuốc.

 

Bệnh nhân có thể đi đến kết cục là chấp nhận dùng thuốc - và chấp nhận luôn cả các tác dụng phụ - chỉ vì họ sẽ mất tiền nếu không làm vậy, thay vì đưa ra quyết định dựa trên việc liệu thuốc có tác dụng với họ hay không. Hệ quả là các bác sĩ đang trở thành những “trình dược viên” mới.

 

Đây không phải là phần thưởng vật chất duy nhất được dùng trong Hệ thống y tế công của Anh (NHS).
 
Ở Glasgow, một thử nghiệm đang được tiến hành tặng cho mỗi phụ nữ có thai một thẻ mua hàng cao cấp trị giá 400 bảng (khoảng 12 triệu đồng) để bỏ thuốc lá.
 
Những người ủng hộ nói rằng xã hội chưa làm gì nhiều để giúp những phụ nữ nghiện thuốc lá, và việc giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ làm giảm đẻ non và tử vong sớm ở trẻ. Tất cả những điều này là đúng. Nhưng trước khi được nhận tiền, bệnh nhân phải xét nghiệm hơi thở, nước bọt và nước tiểu để chứng tỏ mình không hút thuốc, một quá trình dựa trên giả định là bệnh nhân nói dối, và điều đó phần nào “xem thường” nhân cách của bệnh nhân.

 

Quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân phải là sự tin tưởng; sự can thiệp của tiền bạc đặt ra những mâu thuẫn về lợi ích, phá hủy điều kiện tiên quyết là sự thành thật giữa hai bên.

 

Nếu thầy thuốc và bệnh nhân tin tưởng lẫn nhau, thì chúng ta không chỉ gỡ bỏ được những “phần thưởng vật chất” để khuyến khích bệnh nhân ‘tuân thủ”, mà còn khắc phục được vấn nạn “phong bì”. Các thầy thuốc cần được giải phóng sao cho họ có thể kê đơn cho bệnh nhân không phải để đạt được những mục đích nào đó, không phải để làm tăng việc dùng thuốc, cũng không phải để hối lộ bệnh nhân làm điều mà “bác sĩ cho là tốt nhất”. Trong thế kỷ 21, thầy thuốc và bệnh nhân phải ở trên cùng một chiến tuyến.

 

Thùy Linh

Theo telegraph