Khi bé bị cảm lạnh

(Dân trí) - Cảm lạnh là một chứng bệnh gặp cả 4 mùa, nhưng hay gặp nhất vào đầu mùa thu và mùa đông, đặc biệt là với trẻ em. Để lý giải tình trạng này, phóng viên Báo Dân trí đã trao đổi với bác sĩ nhi khoa Nguyễn Như Hoa, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn.

Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hay bị cảm lạnh trong thời điểm giao mùa?

 

Cảm lạnh là bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây nên. Nguyên nhân do đây là thời điểm thời tiết không ổn định, nhiệt độ trong ngày ở trạng thái nóng - lạnh thay đổi bất thường, do mặc không đủ ấm, tắm nước lạnh đột ngột, ngâm nước quá lâu...

Cảm lạnh có triệu chứng gì và có lây lan không, thưa bác sĩ?

 

Sau 2-3 ngày khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm sẽ có triệu chứng: ngứa họng, sổ mũi, tịt mũi và hắt xì hơi, sau đó là sưng họng, ho, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ và chán ăn. Nước mũi của bé sẽ chuyển từ dạng lỏng sang đặc quánh và có màu vàng hoặc xanh.

 

Cảm lạnh có khả năng truyền nhiễm cao nhất trong 2 tới 4 ngày đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng và tiếp tục truyền bệnh trong vòng 3 tuần sau đó với mức độ yếu dần. Trẻ có thể mắc bệnh do hít phải virus trong không khí, hoặc bị lây từ một bệnh nhân bị ho và hắt hơi.

 

Triệu chứng cảm lạnh khá giống với cảm cúm, vậy làm thể nào để cha mẹ không bị nhầm lẫn giữa hai bệnh này?

 

Khi bé bị cảm lạnh - 1

BS Nguyễn Như Hoa

Rất khó để phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm ở trẻ nhỏ, trừ khi được bác sĩ chuyên khoa khám. Tốt nhất, nếu trẻ ho có tiếng đờm; thở gấp; ngủ lịm hoặc mệt mỏi bất thường; đau đầu, họng; sưng và đau họng nghiêm trọng gây cản trở nuốt thức ăn và uống nước; sốt 390C  trở lên hoặc 380C kéo dài hơn 1 ngày; đau ngực và bụng; đau tai thì nên đưa bé đến bác sĩ khám để được điều trị tốt nhất.

 

Bệnh cảm lạnh có thể phòng ngừa được không, thưa bác sĩ?

 

Có thể phòng ngừa cảm lạnh bằng cách:

 

Tránh xa người hút thuốc lá hoặc đang bị cảm lạnh. Thường xuyên rửa tay thật kỹ, đặc biệt là sau khi xỉ mũi. Che mũi hoặc miệng khi ho hoặc hắt hơi. Không dùng chung đồ cá nhân với người bị cảm lạnh.

 

Giữ gìn vệ sinh cơ thể và nơi ở, phòng ở phải thoáng khí nhưng không được để gió lùa; ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất và nên ăn các loại thức ăn nhiều vitamin và khoáng chất; không để cơ thể phải chịu nóng - lạnh đột ngột khi thời tiết chuyển gió.

 

Xin cảm ơn bác sĩ.

 

Kiều Nga - Hồng Hải

Thực hiện