Khát nước, thèm ngọt, stress: đã bị tiểu đường?

Các triệu chứng lâm sàng điển hình của đái tháo đường là khát nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sút cân, mệt mỏi, có dấu hiệu tê bì chân tay và giảm thị lực...

 
 

Tuy nhiên, không hẳn có các triệu chứng trên là đã bị tiểu đường, và cũng không nên nhầm lẫn là không có các triệu chứng ấy có nghĩa không mắc bệnh.

Vì nếu không có các triệu chứng lâm sàng kể trên mà sau hai lần làm xét nghiệm, đường máu vẫn tăng trên 7mmol/l hoặc đường máu sau ăn hoặc đường máu được làm xét nghiệm bất kỳ trên 11,1mmol/l thì vẫn mắc bệnh đái tháo đường. Do đó, những người có yếu tố nguy cơ cao như béo phì, gia đình có tiền sử bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tuổi trên 40… cần được phát hiện bệnh sớm để can thiệp kịp thời.

Khát và uống nhiều nước (trên 4l/ngày) nằm trong hội chứng uống nhiều tiểu nhiều mà bệnh đái tháo đường chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. Vì vậy, không thể dựa vào hai triệu chứng này để khẳng định bị bệnh đái tháo đường mà phải dựa vào nhiều triệu chứng và các xét nghiệm để chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt. Bởi khát và uống nhiều nước còn do tiêu chảy, đái tháo nhạt, bệnh tâm thần, lao động mất nhiều mồ hôi hoặc tổn thương thần kinh trong não gây rối loạn điều hoà nước trong cơ thể…

Ăn quá nhiều chất ngọt cũng không có nghĩa là mắc bệnh đái tháo đường, nếu ăn nhiều chất ngọt nhưng ăn hạn chế các chất bột đường (gạo, bột mì) và duy trì chế độ hoạt động tốt thì vẫn không bị mắc bệnh đái tháo đường, còn nếu ăn quá nhiều chất ngọt kết hợp ăn nhiều chất bột đường thì nguy cơ đái tháo đường rất cao.

Đến nay người ta chưa rõ mối liên quan giữa các stress và sự xuất hiện bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên các stress ảnh hưởng trực tiếp lên người bệnh đái tháo đường thì đã được thừa nhận. Stress làm giảm khả năng tự theo dõi bệnh, làm người bệnh chán nản, ăn uống thất thường, thậm chí uống rượu để giải sầu… Những hành vi này không chỉ làm tình trạng kiểm soát đường huyết kém đi mà còn làm trầm trọng các biến chứng khác của bệnh.


Theo TS.BS Nguyễn Văn Tiến
SGTT