Khánh Hòa: Vi phạm an toàn thực phẩm, hơn 100 cơ sở bị phạt hơn 200 triệu đồng
(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 9 tháng năm 2018, đa phần các cơ sở được kiểm tra tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhưng cũng có một số cơ sở chưa tuân thủ nên đã xử phạt hơn 200 triệu đồng.
Xu hướng người dùng: tiếp cận thực phẩm an toàn
Những năm gần đây, người tiêu dùng tại phố biển TP Nha Trang (Khánh Hòa), nhất là các gia đình tri thức có xu hướng tìm kiếm những địa chỉ bán thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng.
Chị Nguyễn Ngô Thanh Thảo (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) chia sẻ: Trước kia gia đình chị cũng hay đi chợ gần nhà để mua thực phẩm nhưng gần đây lại chuyển sang lựa chọn thực phẩm tại các địa chỉ bán thực phẩm sạch như siêu thị, hay cửa hàng tiện lợi. Một tuần một đến 2 lần, chị đi siêu thị mua thực phẩm về dự trữ và ăn dần.
“Những nơi này họ bán thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ đàng hoàng nên mình cũng yên tâm. Giá cả cũng rất cạnh tranh, cũng không đắt so với giá chợ”, chị Thảo chia sẻ.
Nắm được tâm lý người tiêu dùng, gần đây tại Nha Trang, nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch mọc lên khá nhiều. Đại diện một siêu thị trên đường Lê Hồng Phong cho biết: Hàng năm, ngoài việc đón các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm từ bên ngoài thì bên trong siêu thị cũng có một đoàn kiểm tra nội bộ, kiểm tra còn “gắt” hơn bên ngoài.
“Siêu thị chúng tôi có nhân viên test thử kiểm tra chất lượng các mặt hàng tươi sống. Các mặt hàng như thịt heo, cá... ngày nào sẽ bán hết ngày đó, nếu bán không hết thì đưa xuống bếp nấu nhưng số lượng này cũng không nhiều. Các mặt hàng có mã quét sẵn, dùng điện thoại thông minh để quét truy xuất nguồn gốc điện tử”, nhân viên này nói.
Sở Công thương: Xử lý phạt tiền 123 cơ sở, với hơn 200 triệu đồng trong 9 tháng
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa, cho biết, trong 9 tháng năm 2018, ngành công thương đã chủ trì kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 885 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong đó có 753 cơ sở tuân thủ theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và 132 cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Thực phẩm không nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan ở chợ Xóm Mới, TP Nha Trang
Do đó, Sở Công thương đã chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với một cơ sở, nhắc nhở 8 cơ sở, xử lý phạt tiền 123 cơ sở, với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, Sở Công thương, Chi cục quản lý thị trường đã thực hiện 895 test nhanh hóa lý và vi sinh đối với 582 sản phẩm thực phẩm như thịt, thủy sản, rau quả, sữa chế biến, bột và tinh bột, rượu, nước giải khát... với kết quả âm tính.
Nói về các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, đó là các hành vi như: vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không có giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu, không có giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; không bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh; vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa...
Phó Giám đốc Sở Công thương – ông Trần Văn Ngoạn cho biết, trong các dịp lễ tết sắp tới, ngành công thương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các sở ngành, kiểm tra tiếp về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi nhằm bảo đảm được an toàn thực phẩm cho người dân cũng như khuyến cáo cho người dân nhận biết rõ được sản phẩm, thực phẩm sạch, bảo đảm được sức khỏe cho người tiêu dùng, hạn chế những sản phẩm không bảo đảm về quy định của pháp luật lưu thông trên thị trường”, Phó Giám đốc Sở Công thương – ông Trần Văn Ngoạn nhấn mạnh.
Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, Sở Công thương Khánh Hòa cho biết tiếp tục tăng cường kiểm tra về an toàn thực phẩm
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 9 tháng qua đã vận động ký hơn 1.300 bản cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa, Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã tổ chức 75 lớp phổ biến, kiểm tra kiến thức an toàn thực phẩm cho hơn 900 cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cấp 165 giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
Viết Hảo