Kháng sinh có nhiều tác hại hơn ta tưởng

(Dân trí) - Viết trên tạp chí Gut, nhóm nghiên cứu của PGS Andrey Morgun, Khoa Dược trường đại học bang Oregon (Mỹ) hy vọng nghiên cứu sẽ nâng cao hiểu biết về tổn thương rộng rãi mà kháng sinh gây ra cho ruột, cũng như mở ra những hướng mới để nghiên cứu và khắc phục hậu quả.

Kháng sinh có nhiều tác hại hơn ta tưởng

Biểu mô ruột là một lớp tế bào đặc biệt giống như nhung phủ khắp mặt trong của đường ruột và giúp hấp thu nước, glucose và các chất dinh dưỡng thiết yếu vào máu. Nó cũng là hàng rào ngăn giữa cơ thể với quần thể vi khuẩn khổng lồ sống trong ruột.

Sở dĩ biểu mô đường ruột trông giống như nhung là do hàng triệu các “sợi lông” nhỏ xíu được gọi là các nhung mao, có tác dụng làm tăng tối đa diện tích bề mặt của biểu mô.

Biểu mô đường ruột chứa rất nhiều tế bào miễn dịch cùng chung sống với hàng tỉ tỉ vi khuẩn ruột, giữa chúng luôn có sự “giao tiếp” để duy trì sự ổn định mong manh giữa cơ thể vật chủ và quần thể vi khuẩn.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng chuột nhắt để xem xét ảnh hưởng của 4 loại kháng sinh thường được dùng cho động vật thí nghiệm. Trước đây, người ta thường cho rằng kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn ruột và ức chế một số chức năng miễn dịch trong ruột. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy chúng cũng phá hủy các tế bào ở biểu mô đường tiêu hóa.

Kháng sinh cản trở ti lạp thể và việc truyền tín hiệu giữa vật chủ với vi khuẩn

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng kháng sinh tác động đến một gen đóng vai trò then chốt trong việc truyền thông tin giữa vật chủ và vi khuẩn ở ruột.

Sự gián đoạn “giao tiếp” giữa vật chủ và vi khuẩn không chỉ cản trở tiêu hóa, gây tiêu chảy và viêm loét đại tràng, mà nghiên cứu mới còn liên hệ nó với chức năng miễn dịch, béo phì, hấp thu thức ăn, trầm cảm, nhiễm trùng, hen và dị ứng.

Nhóm nghiên cứu cũng thấy kháng sinh và vi khuẩn đã hình thành tính kháng kháng sinh sẽ gây ra những thay đổi đáng kể cho ti lạp thể, khiến tế bào chết nhiều hơn.

Ti lạp thể là những “nhà máy” tí hon nằm bên trong tế bào, có nhiệm vụ chuyển thức ăn thành năng lượng để tế bào hoạt động. Chúng cũng đóng vài trò quan trọng trong truyền tín hiệu cũng như tăng trưởng của tế bào, và cần có chức năng bình thường để cơ thể có sức khỏe tốt.

Nghiên cứu này ủng hộ ý kiến cho rằng việc tiêu diệt vi khuẩn “xấu” bằng kháng sinh có lẽ không phải là cách tốt để đối phó với nhiễm trùng – căn cứ vào danh sách ngày càng dài những tác dụng phụ và vấn đề mà nó gây ra. PGS Morgun gợi ý rằng tăng cường các vi khuẩn “tốt” để chúng có thể “chế ngự” những vi khuẩn “xấu” có lẽ là cách tiếp cận tốt hơn.

Tháng 1/ 2015, Medical News Today đã báo cáo một nghiên cứu gợi ý rằng những người đi du lịch sử dụng kháng sinh có thể khiến cho tình trạng kháng kháng sinh lan rộng. Khách du lịch uống kháng sinh điều trị tiêu chảy không chỉ làm tăng khả năng vi khuẩn đường ruột kháng thuốc, mà còn góp phần gieo rắc những vi khuẩn ở nước mình.

Kháng sinh hiện đang được sử dụng khá rộng rãi - khoảng 40% người lớn và 70% trẻ em sử dụng kháng sinh ít nhất một lần mỗi năm, cùng với đó là hàng tỷ con gia súc gia cầm được điều trị bằng kháng sinh.

Khi sử dụng đúng, kháng sinh sẽ tiêu diệt các nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng, nhưng khoảng 1/10 số người được điều trị kháng sinh sẽ bị tác dụng phụ.

Cẩm Tú

Theo Medicalnewstoday