1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khám triền miên đến 11h đêm vì quá tải bệnh nhi

(Dân trí) - PGS.TS Lê Thanh Hải cho biết: “Có những buổi trực, khám triền miên đến gần 11 giờ đêm mới ngẩng đầu lên được. Cơm không kịp ăn, bệnh nhân thì xếp hàng dài. Với tình trạng quá tải trầm trọng như hiện nay, bác sĩ chúng tôi thực sự quá sức”.

Cảnh 3 bệnh nhi/1 giường bệnh diễn ra phổ biến ở hầu hết các khoa tại BV Nhi T.Ư: Ảnh: Hảo Hảo
Cảnh 3 bệnh nhi/1 giường bệnh diễn ra phổ biến ở hầu hết các khoa tại BV Nhi T.Ư: Ảnh: Hảo Hảo

Một ổ ôxy 4 bệnh nhân dùng!

Chiều 3/4, tại buổi làm việc với Bộ Y tế về tình trạng quá tải, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương đã phải “kêu trời” vì tình trạng quá tải vô cùng trầm trọng, đang vượt khả năng điều tiết của BV.
 
BS Trần Văn Học, Trưởng phòng KHTH Bệnh viện cho biết, 2 tháng trở lại đây, BV Nhi luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, đặc biệt là bệnh nhân nội trú, trung bình khoảng 1.400 nay đã tăng vọt lên đến 1.700 ca. Riêng trong ngày 3/4, con số chính xác là 1.693 bệnh nhân nằm nội trú. Thêm 300 bệnh nhân, trong khi phòng ốc, giường bệnh chỉ có vậy, bệnh viện đã cố gắng kê thêm giường nhưng cảnh nằm ghép vẫn xảy ra.

“Tình trạng quá tải trầm trọng, vượt trên 30%. Trong đó,  số bệnh nhân nặng cần thở máy từ 100-120 ca; bệnh nhân cần thở ôxy từ 200-250 ca. Số bệnh nhân sởi 203 ca; bệnh nhân viêm phổi 200 bệnh nhân. Lượng bệnh nhân tăng, nhân lực, máy móc, trang thiết bị vẫn chỉ có vậy khiến công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn, bởi thiếu máy thở, thiếu các phương tiện hỗ trợ điều trị”, BS Học cho biết.

Tại khoa Hô Hấp, tình trạng bệnh nhi nằm ghép rất phổ biến.  PGS.TS Đào Minh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp, BV Nhi cho biết, cả khoa có 14 bác sĩ, 36 điều dưỡng mà phải điều trị cho trên 200 bệnh nhân. Trong số này có đến 118 bệnh nhân phải thở oxy.

“Nếu tính trung bình, mỗi bác sĩ đang phải điều trị cho 21 bệnh nhân trong đó trên 50% bệnh nhân phải thở máy. Mỗi tua trực 15 điều dưỡng phải chăm sóc cho trên 200 bệnh nhân. Đa số bệnh nhân phải nằm từ 3- 4 người/1giường bệnh và đều phải thở ôxy. 4 bệnh nhi không chỉ chung nhau một cái giường chật trội mà đến 1 ổ ôxy phải chia cho 4 bệnh nhi”, TS Tuấn cho biết.

Tại các khoa khác như khoa Sơ sinh, truyền nhiễm tình trạng quá tải cũng vô cùng ngột ngạt. Như tại khoa Truyền nhiễm có đến 203 bệnh nhân có biến chứng do sởi phải nhập viện điều trị, nên máy thở, máy tiêm truyền cũng phải xoay vòng hết công suất.

Tình trạng quá tải tại khoa Nhi, Bạch Mai
Tình trạng quá tải tại khoa Nhi, Bạch Mai

Tình trạng quá tải tại khoa Nhi, Bạch Mai

Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), bệnh nhi đến khám, nhập viện cũng vượt gấp đôi so với trước đó. Mỗi đêm trực trước đây chỉ từ 50 - 60 bệnh nhi đến khám thì nay con số này tăng vọt từ 100 - 120 bệnh nhân. Trong đó phần lớn là bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp như sốt vi rút, viêm mũi, họng, viêm phổi, sởi. Hiện tại khoa chỉ có khoảng 60 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nội trú luôn ở mức 140 bệnh nhân, khiến bệnh nhi phải nằm ghép 3 - 4 người/giường.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân đông đến mức tràn hết ra hành lang bệnh viện nằm. Trước hành lang phòng bác sĩ, bệnh nhân cũng trải chiếu nằm vì trong phòng đông đúc, mùi mồ hôi, mùi thuốc, tiếng trẻ khóc… làm phòng càng trở nên oi bức, khó chịu.

Gồng mình làm việc

PGS.TS Lê Thanh Hải cho biết, trước tình trạng bệnh nhân ùn ùn đổ về BV Nhi Trung ương, bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu điều trị, tình trạng quá tải rất trầm trọng.

“Bệnh viện đã bố trí điều chuyển nhân lực, trang thiết bị của các khoa; đưa phòng của bác sỹ thành buồng bệnh nhân; tăng thêm giờ làm của nhân viên y tế…. song tình trạng quá tải vẫn rất nghiêm trọng, các nhân viên y tế đang phải gồng mình để thực hiện công tác khám, chữa bệnh.

“Với tình trạng quá tải trầm trọng như hiện nay, bác sĩ chúng tôi thực sự quá sức. Có những buổi trực, khám triền miên đến gần 11 giờ đêm mới ngẩng đầu lên được. Cơm không kịp ăn, bệnh nhân thì xếp hàng dài. Với những bệnh nhân sởi, bị viêm đường hô hấp, thậm chí viêm phổi giờ bệnh viện không dám nhận vì không còn chỗ mà nằm. Chỉ những trường hợp viêm phổi nặng, biến chứng viêm phổi do sởi mới được nhập viện. Còn lại, phải hướng dẫn bệnh nhân điều trị ngoại trú, hoặc về tuyến cơ sở nhập viện điều trị”, một bác sĩ cho biết.

Trước tình trạng quá tải trầm trọng như hiện nay, PGS.TS Lê Thanh Hải đề nghị Bộ Y tế có văn bản đề nghị các bệnh viện chấn chỉnh công tác chuyển bệnh nhân, quy định về vượt tuyến khám chữa bệnh. Bởi tại BV Nhi Trung ương có lượng không nhỏ bệnh nhân từ các địa phương tự ý vượt tuyến trong khi tình trạng bệnh không nặng nề, chỉ là viêm đường hô hấp, viêm phổi thông thường mà tuyến y tế cơ sở hoàn toàn có đủ khả năng điều trị.

ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám cho biết, để tìm hướng giải quyết thực trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trung ương, Bộ Y tế sẽ sớm tổ chức buổi họp giữa Bộ Y tế và các Sở y tế, BV Nhi các tỉnh có đông bệnh viện nhi chuyển tuyến để hạn chế tình trạng quá tải ở BV tuyến Trung ương.

Hồng Hải