Khắc phục mệt mỏi
Khi học tập, nghiên cứu, nếu cảm thấy mệt mỏi, bạn có thể nghe nhạc để thư giãn hoặc làm những công việc lao động chân tay như quét nhà, chăm sóc cây cảnh... Tuy nhiên hình thức nghỉ ngơi tích cực tốt hơn cả vẫn là tập thể dục.
Sau một thời gian làm việc, năng lực hoạt động của cơ thể tạm thời bị giảm sút. Biểu hiện dễ thấy nhất là mắt thâm quầng, khuôn mặt đờ đẫn.
Nguyên nhân sinh mệt mỏi tùy thuộc vào những hoạt động khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là do hệ thống thần kinh trung ương - bộ phận chỉ huy - bị mệt mỏi trước tiên.
Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: thiếu ôxy do làm việc nặng mà không kịp thở hoặc làm việc nơi không thoáng khí; thiếu chất bồi dưỡng do làm việc lâu, cơ thể bị đói gây hạ đường huyết; có nhiều chất độc tích lũy trong cơ thể do phổi hoạt động kém, khí carbonic ứ đọng không được thải bỏ kịp thời; nhiệt độ cơ thể tăng do làm việc ở nơi nhiệt độ cao, ngoài nắng; cơ thể bị mất nước (làm giảm thể tích máu).
Các bệnh về mắt, stress cũng gây mệt mỏi (vì thần kinh căng thẳng khiến chúng ta nín hơi, làm giảm lượng ôxy đến tim).
Nếu khắc phục được những nguyên nhân trên thì hệ thần kinh trung ương sẽ lâu mệt mỏi hơn, chứ không thể loại trừ hoàn toàn được mệt mỏi. Do đó, ngoài việc rèn luyện thể lực thì vấn đề nghỉ ngơi tích cực là cách khắc phục mệt mỏi hiệu quả nhất.
Khi học tập, nghiên cứu, nếu cảm thấy mệt mỏi, bạn có thể nghe nhạc để thư giãn hoặc làm những công việc lao động chân tay như quét nhà, chăm sóc cây cảnh... Nhưng hình thức nghỉ ngơi tích cực tốt hơn cả là tập thể dục. Cử động bắp thịt sẽ tạo nên những xung động và cảm ứng thần kinh rất lớn. Các nhà khoa học đã chứng minh khi các cơ vận động thì thần kinh trung ương được nạp thêm năng lượng, và đó là cơ sở của sự nghỉ ngơi tích cực.
Một số động tác thể dục chống mệt mỏi thường là các động tác vận động bắp thịt và cơ kết hợp với thở sâu. Ví dụ: Khi ngồi cúi mình làm việc lâu thấy mệt mỏi, bạn có thể ưỡn mình để cơ duỗi cột sống và cơ căng lồng ngực hoạt động...
Theo Sức Khỏe & Đời Sống