TP HCM

Kết dư hàng trăm tỷ đồng từ Bảo hiểm Y tế

Vân Sơn

(Dân trí) - Nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố hoạt động thu chi quỹ Bảo hiểm Y tế đã kết dư hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, Thanh tra Thành phố đã chỉ ra những bất hợp lý trong việc sử dụng quỹ.

Đầu tháng 12, Thanh tra TPHCM đã công bố các kết luận liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí quỹ Bảo hiểm Y tế. Theo đó, tổng thu Bảo hiểm y tế từ năm 2014 đến 2018 trên toàn địa bàn thành phố là hơn 44.191 tỷ đồng, đạt 102% dự toán thư Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao.

Kết dư hàng trăm tỷ đồng từ Bảo hiểm Y tế - 1
Những năm qua, TPHCM luôn có các khoản kết dư từ quỹ Bảo hiểm Y tế nhưng các phương án đề xuất sử dụng chưa hợp lý

Năm 2015, nguồn kinh phí kết dư quỹ Bảo hiểm Y tế trên địa bàn TPHCM hơn 176,6 tỷ đồng, năm 2016 số tiền kết dư 98,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sở Y tế chưa chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan trong việc xử lý số tiền kết dư. Mặt khác, khi UBND thành phố chỉ đạo, Sở Y tế tiếp tục chậm trễ trong việc tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý thời gian trung bình kéo dài từ 5 đến 10 tháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng nguồn quỹ kết dư của 2 năm nói trên.

Theo kết luận thanh tra, Sở Y tế đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố trích kinh phí kết dư của năm 2015 bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo thành phố (do Sở Y tế quản lý) số tiền 50 tỷ đồng. Khoản kinh phí này dùng hỗ trợ cho chính sách chăm sóc sức khỏe, mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, nhóm 3a (hộ có thu nhập bình quân trên 21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm) hộ cận nghèo.

Kết dư hàng trăm tỷ đồng từ Bảo hiểm Y tế - 2
Những năm qua liên tục gia tăng số lượt người bệnh nhưng dự toán bảo hiểm không tăng gây bội chi quỹ Bảo hiểm Y tế

Tuy nhiên, đề xuất của Sở Y tế không phù hợp với thực tế bởi kinh phí khám chữa bệnh người nghèo thành phố còn thừa của các năm từ 2015 đến 2017 lên tới hơn hơn 82,8 tỷ đồng. Số tiền này phải nộp về quỹ dự phòng Bảo hiểm y tế theo quy định. Từ kết luận của Thanh tra, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế thành phố rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, đề xuất phê duyệt sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ bảo hiểm y tế tại thành phố.

Đối với nguồn kinh phí kết dư quỹ Bảo hiểm Y tế năm 2015 số tiền hơn 176,6 tỷ, Bộ tài chính đã có công văn về thanh toán các khoản mua thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư. UBND thành phố đã yêu cầu Sở Y tế báo cáo lại đầy đủ việc mua sắm, thanh toán các khoản mua sắm có liên quan đến việc sử dụng quỹ.

Hiện nay, số tiền quỹ kết dư của năm 2016 là hơn 98,5 tỷ đồng vẫn chưa có hướng giải quyết. Thành phố đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam báo cáo và xin gia hạn thời gian sử dụng nguồn quỹ kết dư trên để mua trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, phương án trên vẫn chưa nhận được ý kiến của bộ ngành.  

Kết dư hàng trăm tỷ đồng từ Bảo hiểm Y tế - 3
Thành phố đã đề xuất gia hạn sử dụng nguồn quỹ Bảo hiểm Y tế kết dư năm 2016 để mua trang thiết bị y tế nhưng chưa được ý kiến chỉ đạo

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế tại TPHCM đang tồn tại chưa có phương án xử lý triệt để. Sự thiếu quyết liệt của cơ quan quản lý đã khiến số tiền nợ đọng bảo hiểm y tế đến năm 2019 lên tới gần 219 tỷ đồng. Thực tế trên là do tình trạng chậm đóng, nợ đọng tại các công ty, doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, tính đến tháng 9/2019 chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế vượt quỹ, vượt trần, vượt dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm năm 2017 của các cơ sở khám chữa bệnh gần 259 tỷ đồng và chi phí khám chữa bệnh vượt dự toán, vượt trần năm 2018 là hơn 186 tỷ đồng chưa được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét và chấp nhận thanh toán.

Nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra là do sự gia tăng thẻ bảo hiểm y tế theo tốc độ phát triển đối tượng tham gia và những thay đổi trong chính sách thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Số lượt khám chữa bệnh của các bệnh viện trên địa bàn thành phố luôn tăng mỗi năm, mặt khác số bệnh nhân từ các tỉnh thành đến TPHCM khám chữa bệnh chiếm tới hơn 50% đa số là bệnh nặng, việc điều trị chi phí rất cao. Tuy nhiên, dự toán chi phí bảo hiểm y tế hàng năm không tăng dẫn tới vượt dự toán chi quỹ bảo hiểm y tế. Đây là những khó khăn đang cần được "cởi trói" về mặt chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh và các bệnh viện trong hoạt động khám chữa bệnh.