Kẽm và Selen – Thiếu hay thừa đều hại sức khoẻ trẻ
Vi chất Kẽm và Selen đóng vai trò không thể thiếu đối với cơ thể trẻ em vì khi thiếu sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: suy dinh dưỡng, chậm phát triển, suy giảm hệ miễn dịch,… Tuy nhiên, việc bổ sung thừa chất này cũng rất nguy hại.
Những công dụng quan trọng
Thúc đẩy tăng trưởng và chuyển hóa năng lượng
Kẽm là chất xúc tác không thể thiếu của ARN – polymerasa và có vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi AND và tổng hợp protein. Ngoài ra, Kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp IGF-1 – là hormone kích thích tăng trưởng cho cơ thể (do IGF-1 thúc đẩy tế bào cơ bắp hấp thụ acid amin, tăng tổng hợp DNA và RNA của tế bào). Vì vậy, Kẽm giúp tăng cường phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ thể. Nếu thiếu Kẽm sẽ gây ra chậm lớn, suy dinh dưỡng thấp còi.
Selen là thành phần cấu tạo trong enzym iodothyronin deiodinase. Enzym này tham gia vào quá trình tổng hormone triiodothyronin (T3) từ thyroxin (T4). T3, T4 là hai hormone của tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và chuyển hóa năng lượng của cơ thể.
Hỗ trợ hệ miễn dịch
Kẽm hỗ trợ và duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu Kẽm làm chậm phát triển và giảm chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch - tế bào T, tế bào B và đại thực bào, khiến trẻ dễ mắc bệnh, ăn uống không ngon, cơ thể suy nhược, chậm lớn.
Tương tự, Selen tham gia cấu tạo nên các Globulin miễn dịch (IgG, IgM, IgA) – Đây là các kháng thể giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra Selen còn đóng vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase (GSH-PX) có tác dụng chống oxi hóa bảo vệ các tế bào miễn dịch - bạch cầu trung tính, đại thực bào và tế bào lympho.
Cảm giác ngon miệng
Kẽm giúp tăng nồng độ gustine – chất tạo vị có trong nước bọt, giúp tăng độ nhạy cảm của tế bào niêm mạc miệng hypoplasia với thức ăn làm trẻ ăn uống ngon miệng hơn.
Cách bổ sung đúng
Bất kể khi nào bố mẹ thấy con có biểu hiện như ăn ít, ăn không ngon miệng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, viêm da,… là khi đó trẻ có dấu hiệu thiếu chất và có khả năng cao trẻ đang bị thiếu Kẽm, Selen thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám để xác định chính xác nguyên nhân.
Đồng thời cần tăng cường các loại thực phẩm giàu Kẽm như: Sữa mẹ, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, đỗ trứng, thịt, cá, gan, bơ cứng, lạc, hải sản,… Và thực phẩm chứa nhiều Selen: Sữa mẹ, sữa, rau xanh, rau bina, bông cải xanh, cải bắp, dầu thực vật,... Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý liều lượng sử dụng để bổ sung cho trẻ một cách hợp lý (tham khảo bảng dưới).
Trong một số trường hợp đặc biệt: Trẻ biếng ăn, tiêu chảy, hay ốm vặt, suy dinh dưỡng,… ngoài việc bổ sung nguồn Kẽm và Selen từ chế độ ăn thông thường, thì bố mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, cho trẻ dùng các chế phẩm bổ sung Kẽm và Selen có nguồn gốc thực vật để trẻ dễ hấp thụ và an toàn trong sử dụng. Và khi được bổ sung đủ lượng Kẽm và Selen theo nhu cầu sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn, cải thiện vị giác của trẻ, tăng cường chức năng tiêu hóa từ đó giúp trẻ ăn ngon, hấp thu tốt thức ăn, mau lớn và khỏe mạnh.
Út Phương