Ngày Tránh thai Thế giới 26/9/2015

Kế hoạch hóa gia đình - lợi ích không chỉ là sức khỏe

(Dân trí) - Khi nói đến kế hoạch hóa gia đình, chúng ta thường không tiếc lời ca ngợi những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại: trẻ em khỏe mạnh hơn, hàng trăm nghìn phụ nữ không phải bỏ mạng vì sinh nở, và hàng triệu ca phá thai được ngăn chặn.

 

Một nhân viên y tế ở Nairobi cung cấp thông tin về kế hoạch hóa gia đình cho khách hàng. Photo by Trevor Snapp for IntraHealth International
Một nhân viên y tế ở Nairobi cung cấp thông tin về kế hoạch hóa gia đình cho khách hàng. Photo by Trevor Snapp for IntraHealth International

Nhưng sức khỏe không phải là lợi ích duy nhất, kế hoạch hóa gia đình còn có quan hệ mật thiết với sự thịnh vượng của từng gia đình, từng quốc gia và của cả thế giới.

Lợi ích kinh tế đối với những nước có các chương trình kế hoạch hóa gia đình mạnh mẽ là hết sức to lớn. Người dân đang chuyển dịch từ mô hình gia đình lớn -tuổi thọ ngắn sang gia đình nhỏ - tuổi thọ dài, chúng ta cần nhớ rằng 3 yếu tố này – sức khỏe, qui mô gia đình và sự giàu có - là không thể tách rời.

Điều này được lý giải phần nào bởi hiện tượng được gọi là “giá trị thặng dư nhân khẩu”, và đây là cách nó diễn ra: Sau một thời gian tỷ lệ sinh đẻ giảm thấp trong dân số (như khi áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và phụ nữ cùng các gia đình bắt đầu chọn sinh ít con hơn), có một “thời gian vàng” trong đó số người lớn trong độ tuổi lao động tăng nhanh hơn so với số người không trong độ tuổi lao động phải sống phụ thuộc vào họ. Nếu một nước có sự chuẩn bị sẵn sàng (ví dụ như bằng cách đảm bảo đủ việc làm cho những người trong độ tuổi lao động), thì họ có thể nằm bắt “thời gian vàng” này để phát triển kinh tế, giải phóng các nguồn lực và sử dụng chúng để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết khác.

Kết quả có thể là sự tiếp cận lớn hơn về giáo dục và thu nhập cho phụ nữ, và chất lượng sống cao hơn cho tất cả mọi người.

Kế hoạch hóa gia đình là chìa khóa có thể mở ra cánh cửa cơ hội này. Và sự bình đẳng này giữa các quốc gia chính là điều mà chúng ta đều mong muốn trong phát triển toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng giai đoạn này chính là cơ hội hiếm có để nói về “giá trị thặng dư nhân khẩu”, sao cho ngày càng nhiều quốc gia có thể tận dụng được những lợi ích của kế hoạch hóa gia đình cả về sức khỏe và kinh tế, vì:

1. Người dân muốn kế hoạch hóa gia đình. Ở các khu vực, khoảng 90% số phụ nữ trẻ (15-24 tuổi) có hoạt động tình dục và chưa kết hôn muốn tránh thai. Tuy nhiên ở phần lớn các nước châu Phi gần một nửa số phụ nữ này không dùng biện pháp tránh thai. Ở Mỹ La tinh và Caribê, hơn 1/4 số phụ nữ này không sử dụng biện pháp tránh thai.

2. Nhiều nước thu nhập thấp đang có sự ổn định về kinh tế để trở thành nước thu nhập trung bình. Ví dụ châu Phi đang trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhiều nước bị tụt hậu hiện đã sẵn sàng lắng nghe những lập luận kinh tế về kế hoạch hóa gia đình.

3. Thế giới đang ngày càng trẻ hơn và sẵn sàng hơn về mặt văn hóa đối với kế hoạch hóa gia đình. Thế giới ngày nay có nhiều người trẻ hơn bao giờ hết. Và cho dù họ chưa sẵn sàng lập kế hoạch cho gia đình của mình, thì họ đã sẵn sàng lập kế hoạch cho tương lai. Nhiều người cũng sẵn sàng tìm kiếm về giáo dục và việc làm tốt, mà ngành y tế có thế mang đến theo nhiều lĩnh vực. Hãy nghĩ đến công nghệ thông tin, quản trị sức khỏe và tất cả những chuyên ngành lâm sàng khác nhau của nhân lực y tế.

4. Mỹ và các nhà tài trợ quốc tế đang trông đợi những quốc gia được việc trợ đẩy mạnh và bắt đầu đầu tư cho các chương trình kế hoạch hóa gia đình “nội địa” của riêng mình. Sự đầu tư này cuối cùng sẽ mang lại những khoản tiết kiệm mà các nước có thể dành cho giáo dục, an toàn thực phẩm và những nhu cầu cấp thiết khác.

5. Mục tiêu phát triển ổn định - một kế hoạch hành động toàn cầu cho “con người, hành tinh và thịnh vượng" - có đặt ra một mục tiêu cụ thể nhằm đến với 225 triệu phụ nữ trên khắp thế giới muốn tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình song chưa nhận được. Chúng ta có thể biến điều này thành hiện thực đến năm 2030 nếu cùng hành động.

Trên thực tế, từng mục tiêu trong số đó đều sẽ bị tác động – trực tiếp hay gián tiếp – bởi kế hoạch hóa gia đình.

6. Có tiền lệ. Hãy nhìn những gì mà các “con hổ” châu Á đạt được từ “giá trị thặng dư nhân khẩu” tạo ra thông qua các chương trình kế hoạch hóa gia đình mạnh mẽ. Ví dụ, Indonesia, Thái Lan và Singapore đã tạo được môi trường chính sách thuận lợi, nới lỏng những qui định pháp lý kìm hãm các chương trình của mình, và đầu tư mạnh cho nhân lực y tế cộng đồng. Thái Lan đặc biệt chú trọng xóa bỏ định kiến đối với kế hoạch hóa gia đình và biến nó trở thành phong cách sống chủ đạo.

Nhiều nước trong số này những dành ra những khoản tiền trong ngân sách để mua phương tiện tránh thai – một cách đầu tư nội địa.

Kế hoạch hóa gia đình là một trong những khoản đầu tư thông minh nhất mà chúng ta có thể tạo ra được. Và như Melinda Gates đã nói, không có gì phải tranh cãi về khoản đầu tư này trong tương lai. Nó sẽ giúp các nước đang nhận viện trợ trở nên độc lập và tự chủ nhanh hơn, đồng nghĩa với việc ít cần đến sự hỗ trợ phát triển của quốc tế hơn.

“Cuộc sống của bạn, tương lai của bạn, hãy biết lựa chọn”

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng Đại diện Tổ chức Marie Stopes International Việt Nam khuyến cáo việc không chú trọng giáo dục cho giới trẻ về các biện pháp phòng tránh thai có thể dẫn đến hậu quả khó lường cho những thế hệ sau.

Mang thai ngoài ý muốn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và đang ngày càng gia tăng. Trong số 208 triệu ca mang thai trên toàn thế giới mỗi năm, có hơn 41% trong số đó là mang thai ngoài ý muốn(1).  Trong đó, gần một nửa dẫn đến kết cục phá thai. Do vậy, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về tình dục cho giới trẻ là một  yêu cầu thiết yếu, đặc biệt là  trong xã hội còn mang nặng tính truyền thống, nơi các bạn trẻ chưa kết hôn ít được tiếp nhận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Giáo dục giới tính giúp cho giới trẻ nhận thức đúng đắn về tình yêu và tình dục an toàn.  Mỗi bạn trẻ đều xứng đáng được trang bị kiến thức và sự tự tin để tận hưởng mối quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn khi và chỉ khi họ đã sẵn sàng.

Tử vong liên quan đến mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho phụ nữ trẻ, khi cơ thể của họ chưa sẵn sàng cho việc sinh con. Mỗi năm, khoảng 16 triệu bạn gái tuổi từ 15 đến 19 mang thai ở các nước thu nhập thấp và trung bình  . Bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng ảnh hưởng đến giới trẻ, các bạn trẻ từ 15 đến 24 tuổi trên toàn thế giới chiếm một phần tư tổng số người quan hệ tình dục nhưng chiếm đến hai phần ba của số người nhiễm các bệnh bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Tại Việt Nam, vị thành niên và thanh niên tuổi từ 14-24 là nhóm dân cư đông nhất, chiếm gần một phần tư dân số cả nước, khoảng trên 20 triệu người và ngày càng có xu hướng cởi mở hơn về quan hệ tình dục. Trong khi đó, có tới 34% vị thành niên chưa được đáp ứng nhu cầu về các phương tiện tránh thai.

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng chia sẻ: "Tôi đã thấy cuộc sống và những hy vọng về tương lai của rất nhiều bạn gái trẻ tan vỡ bởi vì họ thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai hoặc không thể tiếp cận các biện pháp tránh thai an toàn và chất lượng. Chúng ta cần đảm bảo cho phụ nữ trẻ quyền được lựa chọn việc tránh thai và sinh con vào thời điểm mình mong muốn để họ có thể theo đuổi ước mơ  hay sự nghiệp của mình.”

Nhân Hà

 

Cẩm Tú

Theo APHRC và Huffingtonpost