1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hy vọng cho người bị chấn thương cột sống

(Dân trí) - PGS.TS.BS Võ Văn Thành,Trưởng khoa chấn thương cột sống A, BV Chấn Thương Chỉnh Hình (BV CTCH) cho biết: “Mỗi năm BV CTCH có hàng ngàn ca nhập viện với bệnh lý chấn thương cột sống (CTCS) vùng ngực, lưng và vùng thắt lưng”.

Trong đó có đến 30% được chỉ định mổ do bị liệt hạ chi hay mất vững. Đối với CTCS vùng cổ, mỗi năm có khoảng 300 ca, trong đó có đến 70% được chỉ định mỗ do bị liệt tứ chi.

 

Có đến 80% người bị CTCS do tai nạn lao động, trong đó chủ yếu do làm việc nặng, hay bị té từ trên cao và hầu hết đều là người nghèo. Vì thế đa số phải chịu nhiều đau đớn, dẫn đến các bệnh khác thậm chí bị liệt, do không đủ tiền lo phẩu thuật.

 

Mổ sớm giảm nhiều nguy cơ

 

Nếu không được mổ sớm, di chứng của CTCS rất nặng nề, người bệnh có thể bị liệt hạ chi, loét da, nhiễm trùng đường tiểu từ CTCS ngực và thắt lưng. Với các ca CTCS cổ, người bệnh sẽ bị loét da, nhiễm trùng đường phổi, viêm phổi, suy hô hấp, liệt tứ chi.

 

Mổ sớm, giúp cho bệnh nhân phòng ngừa được bệnh loét da, suy kiệt, viêm phổi, tắt phổi, ngoài ra còn có cơ may phục hồi được một phần hay hoàn toàn.

 

PGS.TS BS Võ Văn Thành cho biết: “Mổ sớm giúp giải phóng sự chèn ép sớm thì các tổn thương sẽ sớm phục hồi, không bị thiếu máu nuôi, không phù nề. Ngược lại, sẽ làm cho tuỷ sống hay rễ thần kinh tàn phế luôn”.

 

Mổ sớm thì thao tác giải ép phía trước là nơi thường bị tổn thương nhất dễ hơn mổ trễ và dễ nắn các ca gãy trật hơn.

 

Sau mổ, bệnh nhân không phải nằm mà ngồi dậy ngay với dụng cụ cố định phía sau, thời gian cho việc phục hồi này cũng còn tuỳ trường hợp. Đối với trường hợp liệt một phần trước mổ, sau mổ có hy vọng phục hồi tốt hơn hay sẽ phục hồi được hoàn toàn.

 

Nếu bị liệt hoàn toàn, khó phục hồi vận động hơn, nhưng vẫn còn hy vọng nếu được can thiệp sớm sau chấn thương đúng mức, theo phương pháp kỷ thuật cao với đội ngũ chuyên gia giỏi”.

 

  Những thành công  

 

Trong tuần lễ từ 5 đến 12/5 vừa qua, tại Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình (BV CTCH), với chương trình Tập huấn cột sống lần thứ 13 và áp dụng dụng cụ phẫu thuật cột sống mới, đã có 22 bệnh nhân được phẫu thuật điều trị các căn bệnh về cột sống với các dụng cụ mới có giá trị cao.

 

Trong đó, có 13 bệnh nhân nghèo đã được miễn phí hoàn toàn tiền dụng cụ với số tiền từ 30 triệu đến trên 200 triệu đồng/ca, tuỳ vào số dụng cụ đã dùng cho từng ca bệnh.  

 

 
Hy vọng cho người bị chấn thương cột sống - 1
 

Cột sống của bệnh nhân L.K.L trước và sau phẫu thuật.

Cả 22 ca cột sống lần này đều rất nặng như trường hợp của bệnh nhân L.K.L (55 tuổi). Hai tháng trước mổ, bà L. đau lưng và liệt hoàn toàn 2 chân kèm bí tiểu, được điều trị tại BV Đại học Y dược, sau đó chuyển sang Khoa cột sống A, bệnh viện CTCH.

 

Chẩn đoán khi nhập viện là lao cột sống N7 - N8 kèm liệt hoàn toàn 2 chân và bí tiểu, được điều trị kháng lao và phẫu thuật ngày 8/5.

 

Sau phẫu thuật 1 ngày, bệnh nhân đã phục hồi vận động nhóm cơ ở cổ bàn chân, 3 hôm sau phục hồi vận động được đến gối và 2 bên háng. Sau 1 tuần, bệnh nhân đã có thể duỗi và gập 2 chân tuy còn yếu nhưng nhiều khả năng phục hồi vận động hoàn toàn và phục hồi đường tiểu. Ca bệnh này được miễn giảm tiền dụng cụ thân đốt sống giả có giá khoảng 64 triệu đồng.

 

PGS.TS.BS Võ Văn Thành, Chủ tịch hội Chấn thương cột sống Việt Nam cho biết: “Qua sự vận động của GS.BS Duward Quentin và ông Michael Boose, đến từ Đại học Y khoa Nam Dakota, Hoa Kỳ, BV CTCH đã nhận được 600.000 USD gồm trợ cụ và dụng cụ dùng vào việc phẫu thuật cột sống cho các bệnh nhân nghèo ở Việt Nam. Những dụng cụ trao tặng lần này rất hiện đại, tiên tiến và có giá trị cao, mỗi con ốc có giá cả ngàn đô”.

 

Theo PGS.TS.BS Võ Văn Thành, chương trình tập huấn lần thứ 13 này là sự hợp tác khoa học kỹ thuật, cả GS Duward Quentin và ông Michael Boose đã huấn luyện và đào tạo cho 50 BS trên cả nước từ Hà Nội, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang, Vũng Tàu và TPHCM.

 

Mục tiêu của khóa tập huấn là cập nhật kiến thức, gia tăng kỷ năng nghề nghiệp cho các bác sĩ ngành chấn thương chỉnh hình.

 

Ngọc Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm