Hy Lạp: Cố tình lây nhiễm HIV để nhận 700 Euro trợ cấp
(Dân trí) - Một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới(WHO) đã vẽ nên một bức tranh đáng báo động về những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế ở châu Âu tới sức khỏe cộng đồng, trong đó bao gồm cách mà một số người dân Hy Lạp đã làm để được nhận 700 Euro trợ cấp chính phủ, đó là tự lây nhiễm với vi rút HIV.
Những phát hiện này làm rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của tình trạng thất nghiệp mà người dân châu Âu đang phải gánh chịu.
Báo cáo tháng 9 của WHO kết luận rằng cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008 đã “làm trầm trọng thêm” vấn đề sức khỏe ở châu Âu và khiến cho bất bình đẳng kinh tế-xã hội ngày càng rõ rệt giữa các quốc gia trong khối liên minh châu Âu.
Hy Lạp là quốc gia gặp nhiều khó khăn nhất trong các quốc gia châu Âu, với cuộc khủng hoảng nợ công khiến nền kinh tế của đất nước kiệt quệ và gần như buộc phải rút khỏi khu vực đồng Euro.
Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ tự tử tăng 17% ở Hy Lạp trong 2 năm từ 2007 đến 2009 và sau đó tăng thêm 25 % trong năm 2010. Khi cuộc khủng hoảng trở nên nặng nề nhất trong nửa đầu năm 2011, tỷ lệ tự tử tăng lên 40%.
Hơn nữa, báo cáo của WHO cho biết tỷ lệ nhiễm HIV đã tăng "đáng kể" và ước tính rằng khoảng một nửa số ca nhiễm HIV mới đây là do người dân cố ý gây ra" để được nhận trợ cấp 700 euro mỗi tháng và có thể được tiếp cận nhanh hơn với các chương trình thuốc thay thế mà lẽ ra cần mất 3 đến 4 năm chờ đợi.
Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp đứng ở mức đáng báo động là 26,9 % tính đến tháng 9, đứng đầu trong khu vực đồng euro. Ngày sau đó là Tây Ban Nha với một tỷ lệ thất nghiệp 26%, quốc gia tiếp theo là Bồ Đào Nha với 16,3%, theo nghiên cứu của FactSet.
Theo báo cáo của WHO, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã giảm đáng kể do cắt giảm 40% ngân sách cho bệnh viện. Ước tính có khoảng 26.000 nhân viên y tế công cộng, bao gồm 9.100 bác sĩ, dự kiến sẽ bị mất việc làm.
Trong một khảo sát về điều kiện thu nhập và đời sống ở Hy Lạp, WHO cho biết từ giữa năm 2007 đến 2009, những người dân có vấn đề về sức khỏe nhưng không có điều kiện đi khám bệnh đã tăng 15%.
"Những xu hướng bất lợi ở Hy Lạp đặt ra một cảnh báo cho các nước cũng đang phải áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, bao gồm cả Tây Ban Nha, Ireland và Italy. Các nước cần một sự đầu nhất thiết trong y tế “.
Mai Phương
Theo Foxnews