Hủy hoại mình vì mốt “người dây”

Để có thân hình của người mẫu, cô Ngọc Nhi (28 tuổi, Hà Nội) sang Singapore để cắt một phần dạ dày. Trong vòng một tháng, Nhi trở thành suy dinh dưỡng, hay choáng đầu, vã mồ hôi, có lần ngất xỉu trên bàn làm việc. Bác sĩ cho biết cô bị thiếu máu do dạ dày quá nhỏ, thức ăn tiêu hóa không kịp để nuôi cơ thể.

Ra nước ngoài cắt dạ dày được không ít cô gái trẻ áp dụng để được tiếng “mi-nhon”. Thanh Thúy, 25 tuổi, nhà ở Gò Vấp, TP HCM có dáng người chỉ hơi tròn, nhưng đã một lần nhập viện vì uống giấm. Vừa rồi, cô sang Thái Lan để cắt phần đáy dạ dày tại một thẩm mỹ viện. Sau phẫu thuật, Thúy phải nằm viện 4 ngày và tĩnh dưỡng trên giường hơn tuần lễ mới sinh hoạt bình thường được. Một thời gian sau, Thúy thấy biếng ăn, ruột thường quặn đau, hơi no một tí là nôn đến xanh mặt.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, sau khi phẫu thuật dạ dày, bệnh nhân thường có hội chứng vã mồ hôi, đau thắt bụng, cảm thấy khó tiêu... giống như Nhi và Thúy. Các hậu quả khủng khiếp có thể xuất hiện sau đó là tắc ruột, viêm ruột, suy dinh dưỡng nặng. Phẫu thuật cắt một phần dạ dày để giảm béo vốn chỉ được áp dụng cho những người béo phì ở mức nặng. Nó phải được thực hiện ở những bệnh viện lớn với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao. Những người có cơ thể bình thường nếu đi cắt dạ dày sẽ chỉ tự phá hoại sức khỏe của bản thân.

Trong cơn sốt giảm cân, nhiều phụ nữ khao khát trở thành người mẫu. Hút mỡ, ăn kiêng 13 ngày giảm 7 kg, quấn nóng… họ đều thử qua. Trong cái vòng mê hoặc của “mốt gầy”, người ta bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng các loại thuốc làm gầy không rõ nguồn gốc, đa số được Việt kiều mang về. Một vài tiệm thuốc Tây trong nước cũng bán khá nhiều loại “thuốc gầy”. Nhiều loại trong số đó có tác dụng làm gầy thật. Tuy nhiên, khi đã xuống cân thì không sao lên nổi. Cô Thúy Hoa (25 tuổi, quận 1) sau 3 tháng dùng thuốc gầy mua tại một tiệm thuốc Tây gần chợ Đa Kao đã sụt 10 kg và trở thành “khúc củi di động”. Bác sĩ đánh giá cô bị suy dinh dưỡng độ 2.

Còn chị Trà (TP HCM) rất tâm đắc với những viên thuốc màu trắng mua từ một Việt kiều ở Mỹ về. Sau khi uống lần thứ nhất, chị mất cảm giác thèm ăn, thậm chí cả ngày không ăn gì cũng chẳng thấy đói. Chị xuống cân hẳn và tỏ ra “tâm đắc” với loại thuốc này. Nhưng sau khi uống lần thứ 2, chị gầy đến nỗi 2 mắt dường như thụt hẳn vào trong, thâm quầng, má hóp lại và làn da xám xịt. Mang loại thuốc này đến một bác sĩ, chị Trà mới biết thuốc dùng hoạt chất noradrenergic, nó tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm giảm cảm giác đói, ăn không ngon, cơ thể sút cân nhanh. Tác dụng phụ của thuốc là gây nghiện, trầm cảm…

Một số cô gái thậm chí còn dùng cả thuốc lắc để làm gầy. Sau khi dùng thuốc, họ sẽ không có cảm giác đói, không thể ăn uống ngon miệng. Thêm nữa, dưới ảnh hưởng của thuốc, cơ thể phải “uốn éo” trong những điệu nhạc kích động. Một lượng calo lớn bị tiêu hao không phục hồi khiến cơ thể sụt cân nhanh. Sau khi đã gầy, họ vẫn không sao thoát khỏi cảm giác “nghiện thuốc”. .

Theo các chuyên gia, cơ thể khỏe mạnh mới là chuẩn mực của vẻ đẹp. Dẫu có thích “mình hạc xương mai” thì chị em cũng đừng đánh đổi tất cả chỉ vì chữ “gầy” phù du. Nên nhớ rằng gầy yếu và thon thả là 2 khái niệm khác nhau.

Theo Tiếp Thị & Gia Đình

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm