Hướng đi mới trong điều trị ung thư kháng thuốc

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư máu, ví dụ như bệnh bạch cầu, có thể được điều trị hiệu quả bằng hóa trị liệu. Tuy nhiên sau khi điều trị một thời gian, ung thư thường tái phát nhờ vào tế bào kháng thuốc.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Havard đã “giải mã” 1 điểm đặc trưng quan trọng của các tế bào ung thư kháng thuốc, đó là khả năng thay đổi tạm thời cách chúng sử dụng nguồn dưỡng chất. Kết quả này là thông tin quan trọng để phát triển các loại thuốc điều trị mới nhắm vào quá trình trao đổi chất của tế bào ung thư, từ đó điều trị hiệu hơn ung thư kháng thuốc.

GS David Scadden, đại diện nhóm nghiên cứu, phân tích: “Đối với lĩnh vực ung thư, chúng ta thường nghĩ rằng, khả năng kháng thuốc liên quan mật thiết đến những thay đổi vĩnh viễn trong gen của tế bào ung thư. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi lại chỉ ra rằng, có cả những cơ chế khác liên quan đến khả năng sống sót sau khi hóa trị của tế bào ung thư. Cụ thể, đó chính là cách chúng sử dụng các chất dinh đưỡng trong môi trường vi mô của mình”.

Hướng đi mới trong điều trị ung thư kháng thuốc - 1

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã đi sâu vào phân tích các tế bào ác tính khi ung thư tái phát sau điều trị. Bên cạnh đó, một số tế bào tại thời điểm cơ thể đáp ứng hóa trị mạnh mẽ nhất cũng đã được phân lập để nghiên cứu thêm.

“Đây là thời điểm ít tế bào ung thư còn sót lại nhất trong cơ thể. Chúng đều là những tế bào có sức chịu đựng lớn nhất với thuốc hóa trị liệu, đồng thời cũng là mầm mống giúp ung thư tái phát sau này” - GS David Scadden phân tích.

Qua nghiên cứu, nhóm tác giả phát hiện được rằng, các tế bào còn lại sau khi hóa trị liệu đã có sự thay đổi tạm thời về các quá trình trao đổi chất. Đặc biệt, chúng đã thay đổi cách sử dụng loại axit amin có tên glutamine.

“Khi ung thư đã tái phát, bạn sẽ không còn quan sát được những thay đổi này, bởi đây là thay đổi đáp ứng với áp lực từ thuốc hóa trị. Nếu chúng ta sử dụng thuốc nhắm vào quá trình trao đổi chất, trong lúc nó có sự thay đổi, sẽ rất dễ để tiêu diệt tế bào ung thư”.

Trong thí nghiệm tiếp theo, nhóm tác giả đã sử dụng thuốc nhắm vào quá trình chuyển hóa glutamine ở tế bào ung thư trong giai đoạn chuyển đổi, đây cũng là quá trình sản xuất nucleotide (thành phần của gen). Kết quả cho thấy, chỉ trong một ngày, các tế bào ung thư kháng thuốc đều đã bị tiêu diệt.

GS David Scadden nhận định rằng, các quá trình trao đổi chất được điều khiển bởi enzyme. Với loại thuốc trúng đích, chúng ta có thể dễ dàng nhắm vào chúng hơn so với việc nhắm vào các đột biến gen như cách điều trị hiện nay.

Bên cạnh bệnh bạch cầu, các chuyên gia cho biết, cách tiếp cận thông qua con đường trao đổi chất có thể được ứng dụng trong điều trị nhiều loại ung thư và bệnh lý khác.

“Đối với các loại ung thư và bệnh lý khác, môi trường vi mô của tế bào cũng ảnh hưởng đáng kể đến tiên lượng của người bệnh. Dựa trên nghiên cứu này, chúng ta cũng có thể tìm những thời điểm mấu chốt để tác động vào tế bào để điều trị bệnh.