Hồng Kông: Thu hồi và khám cho trẻ uống sữa Wakodo và Morinaga

(Dân trí) - Sau khi công bố hàm lượng i-ốt trong sữa Wakodo và Morinaga thấp hơn tiêu chuẩn tới 1/3, các cơ quan chức năng Hồng Kông cho biết hiện đang thu hồi 2 loại sữa này và thực hiện khám sức khỏe tuyến giáp cho các trẻ từ 1-8 tháng tuổi uống 2 loại sữa này.

Hồng Kông: Thu hồi và khám sức khỏe trẻ uống sữa Wakodo và Morinaga

Hai loại sữa đang bị thu hồi tại Hồng Kông do hàm lượng i-ốt không đạt tiêu chuẩn thế giới
 

Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Kong (CFS), sữa Wakodo và Mornaga (Nhật Bản) có tỉ lệ i-ốt trong sữa công thức dành cho trẻ dưới 9 tháng tuổi thấp hơn tiêu chuẩn Codex là 1/3 và cơ quan quản lý sức khỏe Hồng Kông (DOH) sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe (chức năng tuyến giáp) những trẻ sử dụng 2 loại sữa này (từ 1 - 8 tháng tuổi) tại 10 trung tâm y tế. Nếu trẻ có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt i-ốt sẽ được các bác sĩ nhi chăm sóc ngay lập tức.

 

Trước đó, CFS đã lấy 14 mẫu sữa công thức sơ sinh bán trên thị trường để xét nghiệm về giá trị năng lượng (kcal) và hàm lượng 33 dưỡng chất thiết yếu được quy định bởi Uỷ ban Tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm (Codex). Kết quả cho thấy i-ốt trong 2 mẫu sữa của Nhật thấp hơn tiêu chuẩn. Trong khi đó, i-ốt là một dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển, tăng trưởng và hoạt động bình thường của các chức năng trong cơ thể.

 

“Khi trẻ sơ sinh ăn theo hướng dẫn được cung cấp bởi các nhà sản xuất được in trên nhãn 2 loại sữa công thức này, thì ngay cả khi trong nước máy có i-ốt thì lượng i-ốt trẻ sơ sinh nhận được từ sữa hoàn nguyên này cũng sẽ bị thiếu hụt 1/3 so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tức là 15 mcrogam cho mỗi 1kg trọng lượng cơ thể. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng tuyến giáp. Nếu chức năng tuyến giáp bị ảnh hưởng, có thể sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ của trẻ”, đại diện của CFS cho biết.

 

Theo CFS, mặc dù các mẫu này chỉ lấy từ 1 lô hàng nhưng cần phải cẩn trọng. Do đó, CFS đã thông báo các nhà nhập khẩu có liên quan về kết quả thử nghiệm và hiện các nhà phân phối đã ngừng bán các sản phẩm liên quan và bắt đầu thu hồi sản phẩm. “Những người đã mua những sản phầm này nên ngừng cho trẻ ăn và chuyển sang nhãn hiệu sữa khác”, phát ngôn viên CFS cho biết.

 

CFS hiện cũng đang lấy mẫu sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi của các nhãn hiệu sữa khác để xét nghiệm hàm lượng i-ốt và kết quả sẽ được thông báo trong tháng này và khuyến cáo các bậc cha mẹ nên kiểm tra hàm lượng i-ốt trên sữa công thức cần phải đạt theo khuyến cáo của Codex cho công thức cho trẻ sơ sinh (10-60μg (microgram) 100/kcal).

 

Tuy nhiên, theo Giám đốc TT An toàn thực phẩm Gloria Tam Lai-fan, không có quy định nào về nồng độ i-ốt trong các sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh tại Nhật. Bản thân phụ nữ Nhật có lượng i-ốt trong cơ thể cao hơn và có thể cung cấp cho trẻ sơ sinh nhiều hơn so với phụ nữ Hong Kong. Bú mẹ cũng phổ biến ở Nhật Bản hơn. Điều này giải thích vì sao hàm lượng i-ốt trong sữa công thức của Nhật lại thấp hơn.

 

Trẻ sơ sinh ít hơn một tháng tuổi sẽ sử dụng nguồn i-ốt được dự trữ từ trong bụng mẹ và nguy cơ do thiếu i-ốt từ sữa công thức trong 1 thời gian ngắn là tương đối thấp. Việc chuyển đổi sang mộtt loại sữa sơ sinh có hàm lượng i-ốt đầy đủ sẽ giúp giải quyết mọi nguy cơ. Và sữa mẹ vẫn là lựa chọn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Những bà mẹ cho con bú cũng được khuyên là nên có 1 chế độ ăn đầy đủ i-ốt.

 

Trẻ từ 8 tháng tuổi trở lên sẽ được bổ sung thêm i-ốt từ các nguồn thực phẩm khác và nguy cơ thiếu hụt i-ốt sẽ giảm xuống.

Trần Phương

Theo Chinadaily, FEHD