Hỏng da vì rượu ngâm rễ mật gấu

Cây mật gấu có tác dụng rất tốt trong điều trị các triệu chứng về rối loạn tiêu hoá, đường ruột, đau nhức xương khớp… nhưng làm đẹp da thì lại rất nguy hiểm.

 

Nhiều chị em đã rất khổ sở khi làm đẹp bằng rượu ngâm rễ cây mật gấu

Nhiều chị em đã rất khổ sở khi làm đẹp bằng rượu ngâm rễ cây mật gấu

 

LTS: Cải thiện da nám, sạm, lão hoá là một trong những khát khao cháy bỏng của phụ nữ. Nhiều người vung tay không tiếc tiền hay lùng tìm bằng được những thảo dược được cho là có tác dụng trẻ hoá làn da. Tuy nhiên, việc sử dụng tuỳ tiện, sai quy cách là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ bị lão hoá da ngay khi còn trẻ, thậm chí phải nhập viện vì da kích ứng. Loạt bài “Hỏng da vì làm đẹp không đúng cách” sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm này.

 

Da nổi mẩn, sưng tấy

 

Do da mặt bị nổi nhiều mụn bọc nên chị N.T.H ở quận Tân Bình, TP HCM được bạn bè giới thiệu làm sạch mặt bằng rượu thuốc ngâm rễ cây mật gấu. Nhưng chỉ sau vài ngày bôi, da mặt chị nổi mẩn rôm và ngứa, sưng đỏ, đau nhức đến mức phải nhập BV Da liễu TP HCM. Chị Hải Anh (Hà Nội) cũng xài một chai rượu ngâm rễ mật gấu với giá 150.000 đ/chai, sau hơn một tuần, mặt cũng sưng vù lên, da mặt và hơi thở nóng bừng, mắt đỏ lên mới nhập viện.

 

Lý giải về điều này, chị Thủy, một người bán rượu thuốc rễ mật gấu cho biết: Trong tờ hướng dẫn sử dụng ở các gói, chai rượu thuốc rễ mật gấu đều nhắc người dùng tránh lạm dụng và bôi quá nhiều lần/ngày. Nếu da mặt sưng tấy đỏ nặng hãy ngưng thuốc, chờ bớt tấy đỏ mới dùng tiếp. Những người bị sưng bỏng da là do nóng vội, không được tư vấn kỹ, ngày thoa nhiều hơn 4 lần hoặc dùng không dùng rượu gạo nguyên chất, ngâm không đúng độ, liều lượng thuốc và rượu không đúng, không tuân thủ chặt chẽ quy trình sử dụng…

 

Ngoài ra, người bán hàng này còn khuyên dùng rượu thuốc kết hợp kem trong (160.000 đ/hộp), là hàng nhập từ Mỹ để giảm sưng, giúp da mềm và thẩm thấu tốt (nhất là da khô), giảm cảm giác khô ráp, khó chịu do dùng rượu thuốc. Kem trong cũng là “bí quyết” làm đẹp da sau điều trị rượu thuốc, cung cấp dưỡng chất, độ ẩm phục hồi làn da đẹp mịn, không bị khô, nhăn và nhám.

 

Cẩn trọng với hàng rao bán trên mạng

 

Theo BS Nguyễn Phái, nguyên BS Đông y (Cục Quân y), sách Đông y Việt Nam có viết: Cây mật gấu (tên khoa học là mahonia neplensis) chính là cây hoàng liên ô rô, còn gọi là mã hồ, thích hoàng liên, tông plềnh (H' Mông)… thuộc họ hoàng liên gai (Berberidceae), thường mọc ở vùng núi cao và mát như Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Lâm Đồng (Lang Bian)… Cây thân gỗ, rễ màu vàng nhạt, vị đắng như mật gấu, tính mát. Cả thân, lá quả, rễ đều có thể phối hợp với các vị thuốc khác để trị bệnh dạ dày, rối loạn tiêu hoá, đường ruột, đau nhức xương khớp, tê thấp, thanh nhiệt, giải độc, mát gan, tiêu viêm, phòng và chữa sỏi mật, giảm đau lưng, tăng cường sức khoẻ… Hay phối hợp với các vị thuốc khác để chữa kiết lỵ, viêm ruột, tiêu chảy, viêm gan vàng da, mắt đau sưng đỏ và đặc biệt là tiêu mỡ, viêm đại tràng, chữa béo phì, gút…

 

Cây này còn nấu nước đặc để rửa chữa viêm da dị ứng, lở ngứa... Ở Bắc Kạn, Cao Bằng cây mật gấu được thu hái dưới dạng những đoạn thân cây, rửa sạch, chặt nhỏ, phơi khô rồi ngâm rượu một thời gian, khi rượu ngả vàng thì tùy độ đậm đặc mà pha thêm rượu để trị bệnh. Hoặc đơn giản là cắt lát nhỏ, cho vào nồi đun sôi 15 phút rồi uống.

 

BS Đông y Phạm Hinh cho biết, trong tài liệu Đông y chưa thấy ghi chép hay nghiên cứu nào về công dụng làm đẹp da của rễ cây mật gấu như đồn thổi. Vì vậy, chị em không nên sử dụng.

 

Cũng theo ông Phạm Hinh, bất kể là loại rượu thuốc gì các bác sĩ da liễu cũng cảnh báo không được bôi rượu lên da và nhất là các vùng da mỏng, nhạy cảm của cơ thể như da mặt. Rượu có độ cồn nên nhẹ cũng làm da bong tróc vì bị mất độ ẩm, nặng thì gây bỏng rát, khó chịu cho da mặt. Một số người dùng rượu thuốc thoa mặt mà chưa có hiện tượng gì chưa phải đã tốt, bởi sau vài tháng làn da non nớt rất có thể sẽ bị bỏng rát, kích ứng, thậm chí mụn nhiều hơn cả lúc trước khi dùng rượu thuốc.

 

Các bác sĩ còn lưu ý, vì lợi nhuận nên có thể người thu hái dược liệu và người ngâm rượu thuốc sẽ làm giả. Bởi cây hoàng liên gai rất dễ nhầm với cây gáo đỏ, vàng kiêng dỏ, cũng có tên là “cây mật gấu”, có tên khoa học là Neonauclea purpurea, cũng là cây gỗ cao 10 - 15m, hay mọc ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên vị đắng nhưng gỗ dùng cho xây dựng. Hãy cẩn trọng khi dùng những thứ thuốc rao bán trên mạng, cũng đừng nghĩ là thuốc nam nên không gây hại. Nếu không may dùng phải của rởm hoặc dùng không có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ rất có thể tự gây bỏng nặng cho da mặt, thậm chí viêm nhiễm, ung thư da…

 

Theo Trà Giang

Gia đình & Xã hội