1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 200 cán bộ Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, đâu là nguyên nhân thực sự?

Hải Minh

(Dân trí) - BV Bạch Mai cho biết, trong hơn 200 cán bộ công nhân viên nghỉ việc, quá một nửa là lao động phổ thông, chỉ có 28 người là bác sĩ, được mời chào sang các BV tư với thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng.

Bác sĩ chuyển về nơi thu nhập cao hoàn toàn bình thường

Trao đổi với báo chí tối 13/4, TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những thông tin "gần 1000 đơn nghỉ việc", 200 cán bộ y tế chủ chốt nghỉ việc... là những thông tin không chính xác.

Hơn 200 cán bộ Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, đâu là nguyên nhân thực sự? - 1

TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Bạch Mai.

"Thực tế, trong 1 năm qua, có 221 cán bộ nhân viên bệnh viện nghỉ việc, trong hơn 200 người này có tới 113 người là lao động phổ thông (làm việc tại các đơn vị dịch vụ, nhà thuốc...) do bệnh viện sắp xếp, cơ cấu lại, ví dụ 10 nhà thuốc giảm xuống còn 5 nhà thuốc; bỏ dịch vụ nhà tang lễ; giải thể đơn vị dịch vụ như nước uống, xe vận chuyển... ; 28 bác sĩ chuyển công tác, thôi việc, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ y học, 2 tiến sĩ ngành dược học… Những người này chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn, là các bệnh viện tư, với mức thu nhập cao hơn hẳn bệnh viện công, thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng", TS Thành nói.

Hơn 200 cán bộ Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, đâu là nguyên nhân thực sự? - 2
Trong danh sách nghỉ việc có 113 người là lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị dịch vụ hiện bệnh viện đã tinh giản, giải thể.

Trong danh sách 28 bác sĩ, người có trình độ tiến sĩ, học hàm phó giáo sư có người đang làm Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ...

Theo ông Thành, vì áp lực, công việc thu nhập thấp, nhiều nhân viên được đơn vị khác mời chào với mức thu nhập cao, thậm chí hàng trăm triệu đồng nên một số bác sĩ có xin chuyển công tác. "Việc dịch chuyển là tất yếu, bệnh viện không thể giữ được. Hoạt động luân chuyển như vậy không có gì bất thường, không phải là chảy máu chất xám, không ảnh hưởng gì đến hoạt động của bệnh viện", ông Thành khẳng định.

Ông Thành thông tin thêm, trong số 506 người mới được bệnh viện tuyển dụng có 5 người là giáo sư, phó giáo sư; 4 người là tiến sĩ, 98 người là thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, 24 người là cử nhân Điều dưỡng hệ tiên tiến, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.  Hiện tại, tổng số nhân viên bệnh viện là gần 4.300 người.

4 lý do nhân viên y tế nghỉ việc

Theo ông Thành, có 4 lý do khiến nhân viên nghỉ việc, chuyển việc.

Thứ nhất, trong thời gian qua dịch Covid-19 tác động lớn đến hoạt động bệnh viện. Lượng bệnh nhân đến khám giảm sâu. Trước Covid-19, mỗi ngày có khoảng 6.000-7.000 bệnh nhân đến khám, 5.000-6.000 bệnh nhân nội trú. Tuy nhiên, ảnh hưởng Covid-19, có những thời điểm chỉ có hơn 1.000 bệnh nhân nội trú. Trong năm 2020, nguồn thu của bệnh viện giảm 2.000 tỉ đồng so với năm 2019 (tương đương với khoảng 30%). Đồng thời, bệnh viện thực hiện giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh liên kết về đúng giá BHYT...

"Do nguồn thu nhập cán bộ, nhân viên trong bệnh viện bị giảm, cộng thêm áp lực công việc. Trong khi đó, một số đơn vị tư có nhiều lời mời hấp dẫn, lương hàng trăm triệu đồng một tháng so với mức lương khoảng 15 triệu đồng nên một số bác sĩ đã xin nghỉ việc để chuyển sang khu vực tư nhân", ông Thành nói thêm.

Thứ hai, do bệnh viện tự chủ nên một số đơn vị không còn phù hợp như: nhà tang lễ, trông xe, vận chuyển người bệnh bị giải thể. Các nhân sự ở các đơn vị này (61 người) phải chấm dứt hợp đồng. Mỗi người nghỉ việc được hỗ trợ 2 tháng lương. Trước đó, bệnh viện có 10 nhà thuốc nhưng hiện chỉ còn 5, nên số lượng lao động tinh giản cũng chấm dứt hợp đồng theo quy định với 51 lao động.

Thứ ba, tâm lý cán bộ công chức căng thẳng, áp lực trong thời gian Covid-19. Sau đó một số lãnh đạo bệnh viện lại vướng vào vòng lao lý và cơ quan điều tra, thanh tra Chính phủ liên tục xuống làm việc nên tâm lý cán bộ, nhân viên dao động.

Thứ tư, do áp lực đổi mới. Kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 3-2020, giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã quyết liệt thay đổi thái độ phục vụ. Bệnh viện trong giai đoạn khó khăn nhưng vẫn yêu cầu chăm sóc toàn diện nên điều dưỡng, bác sĩ vất vả hơn. Tinh thần thái độ mang lại sự hài lòng cho người bệnh, người nhà, nhân viên phải thay đổi và phong cách phục vụ mới cũng có áp lực.

Về ý kiến cho rằng một số người lao động xin nghỉ việc vì bệnh viện nợ lương và chậm lương, ông Thành khẳng định không có chuyện này. Đây là thông tin không chính xác.

"Ngược lại, đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng do BV tinh gọn bộ máy, đơn vị không còn chức năng… BV đều hỗ trợ 2 tháng thu nhập cho cán bộ nhân viên trước nghỉ chế độ, giải quyết toàn bộ chế độ chính sách trước nghỉ và cam kết nếu bệnh viện có khôi phục lại các dịch vụ, hoạt động này trong tương lai sẽ mời lại các nhân viên đã từng công tác quay trở lại", ông Thành khẳng định.