Hơn 1 triệu phụ nữ Việt Nam bị hiếm muộn, vô sinh
(Dân trí) - Không thực hiện được thiên chức làm mẹ khiến hôn nhân của hơn 1 triệu phụ nữ có nguy cơ đổ vỡ. Những phương pháp hỗ trợ sinh sản đang trở thành cứu cánh cho các cặp vợ chồng không may bị vô sinh, hiếm muộn.
Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ XXI. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới.
Nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 tuổi đến 49 tuổi) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái của Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8% (50% số cặp vợ chồng vô sinh ở tuổi dưới 30).
Tại Hội thảo Quốc tế chuyên đề hỗ trợ sinh sản tổ chức tại TPHCM (ngày 25/8) ThS. BS.Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM cho biết: Số liệu 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ở Việt Nam đối mặt với vấn đề hiếm muộn, vô sinh tương đương trên một triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn cần khám và điều trị. Với quan niệm cuộc sống viên mãn khi gia đình đủ đầy con cái của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng vô sinh, hiếm muộn ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân gia đình và đời sống vợ chồng.
Tại Hội thảo các chuyên gia quốc tế đánh giá, vô sinh hiếm muộn đang trở thành thách thức với y học. Tuy nhiên, thời gian gần đây sự phát triển của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, kích thích buồng trứng, chọn lọc phôi, thụ tinh ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo… đang hỗ trợ đắc lực, giúp cho các cặp vợ chồng đón nhận niềm vui lớn khi thực hiện được thiên chức làm cha, làm mẹ.
Vân Sơn