Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Vì sao phải đo huyết áp trước khi tiêm phòng?

Minh Nhật

(Dân trí) - Đo huyết áp là bước đánh giá lâm sàng bắt buộc trước khi tiêm chủng vắc xin Covid-19. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng, công đoạn này không đem lại hiệu quả và thậm chí làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Theo TS.BS Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), có 2 mục đích chính của việc đo huyết áp trước tiêm chủng đó là phục vụ công tác tiên lượng trước tiêm và theo dõi sức khỏe người bệnh sau tiêm.

Tiên lượng trước tiêm

BS Điền chia sẻ: "Việc đo huyết áp sẽ giúp đánh giá huyết động của bệnh nhân. Huyết áp của người bình thường dao động từ 90/60 - 120/90mmHg. Tuy nhiên, một số người có nền huyết áp cao hơn bình thường, điển hình là người bị huyết áp cao, thì nền của họ ở khoảng 140/90 - 150/90mmHg. Ngược lại, với một số người huyết áp thấp, nền huyết áp thường chỉ ở mức dưới 90/60mmHg".

Nếu không đo huyết áp, cán bộ y tế không thể biết được bệnh nhân là người có huyết áp bình thường hay có bệnh nền tăng/hạ huyết áp.

Một trong những tác dụng phụ của vắc xin Covid-19 đã được ghi nhận (tỉ lệ rất thấp) đó là làm nhịp tim nhanh, có thể gây thuyên tắc mạch.

BS Điền chỉ ra rằng, với những người đã có bệnh nền cao huyết áp, nếu không may gặp tác dụng phụ sau tiêm là nhịp tim nhanh sẽ dễ làm tăng huyết áp, tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe.

Đo huyết áp là một trong các bước để nhận biết người dân có đạt tiêu chuẩn cho việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hay không.

Theo dõi và đánh giá sức khỏe sau tiêm

Mục đích thứ hai của việc đo huyết áp khi khám sàng lọc trước tiêm phòng Covid-19 là để phục vụ công tác theo dõi và đánh giá sức khỏe sau tiêm.

Sau khi tiêm, mọi người sẽ ở lại điểm tiêm để theo dõi sức khỏe thêm 30 phút. Trước khi ra về hoặc khi xuất hiện dấu hiệu bất thường sẽ được đo lại huyết áp. Từ 2 kết quả đo này, nhân viên y tế có thể biết được huyết áp của người được tiêm tăng lên hay hạ xuống, làm căn cứ để đánh giá sức khỏe cũng như phát hiện kịp thời tình trạng sốc phản vệ.

Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Vì sao phải đo huyết áp trước khi tiêm phòng? - 1

Đo huyết áp cho người được tiêm vắc xin Covid-19.

"Ví dụ một người có bệnh nền tăng huyết áp, huyết áp nền của họ đã là 140/90mmHg. Sau khi tiêm, người đó cảm giác khó chịu, nhân viên y tế kiểm tra lại và phát hiện huyết áp còn 100/60mmHg, nghĩa là đã tụt 40mmHg so với ban đầu, nguy cơ cao là đã rơi vào sốc phản vệ (Khi bị sốc phản vệ sẽ gây tụt huyết áp). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức huyết áp 100/60mmHg vẫn là ngưỡng bình thường của những người khỏe mạnh. Do đó, nếu không có kết quả đo trước khi tiêm, nhân viên y tế không thể nắm được sự thay đổi bất thường của huyết áp để có chẩn đoán kịp thời", BS Điền dẫn chứng.

Ngược lại, với những người có bệnh nền huyết áp thấp, thường sẽ bị những cơn huyết áp thấp gây chóng mặt, choáng váng. Trong trường hợp sau tiêm, họ cũng xuất hiện tình trạng này, việc nắm được bệnh nền của người được tiêm sẽ giúp cán bộ y tế có cơ sở để đánh giá xem đây là triệu chứng của sốc phản vệ hay chỉ là cơn huyết áp thấp.

Công đoạn quan trọng trong đảm bảo an toàn cho người được tiêm

Cũng theo chuyên gia này, nếu biết tổ chức đúng cách, việc đo huyết áp khi khám sàng lọc trước tiêm không làm mất thêm quá nhiều thời gian và nếu đơn vị tiêm chủng biết cách tổ chức tốt, thì cũng không làm tăng nguy cơ lây bệnh. Trong khi đó, công đoạn này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người được tiêm.

Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Vì sao phải đo huyết áp trước khi tiêm phòng? - 2

Tiêm vắc xin Covid-19.

"Trước khi ban hành hướng dẫn, Hội đồng chuyên môn về khám sàng lọc của Bộ Y tế đã trao đổi và thảo luận rất kỹ về vấn đề này và vẫn quyết định phải đo huyết áp cho người được tiêm chủng trước khi tiêm", BS Điền nhấn mạnh.

Theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế, việc khám sàng lọc trước tiêm chủng sẽ bao gồm 2 phần chính là "Hỏi tiền sử bệnh" và "Đánh giá lâm sàng".

Trong đó, phần Đánh giá lâm sàng gồm các bước sau:

Phát hiện các bất thường về dấu hiệu sống:

- Đo thân nhiệt, huyết áp, đếm mạch tất cả những người đến tiêm.

- Đếm nhịp thở ở những người có bệnh nền.

Quan sát toàn trạng:

- Đánh giá mức độ tri giác bằng cách hỏi những câu hỏi về bản thân người đến tiêm. Lưu ý những người có bệnh nền nặng nằm liệt giường, mất tri giác, mất năng lực hành vi.

- Ghi nhận bất kỳ biểu hiện bất thường nào quan sát thấy ở người đến tiêm để hỏi lại về tiền sử sức khỏe.

Trước đó, ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19", áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng Nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Theo hướng dẫn này, đo huyết áp là một bước đánh giá lâm sàng bắt buộc trước khi tiêm chủng của tất cả các trường hợp.